Saturday, November 10, 2012

SỰ TỰ NGUYỆN LÀM NÔ LỆ CỦA LOÀI NGƯỜI (ÉTIENNE DE LA BOëTIE)


SỰ TỰ NGUYỆN LÀM NÔ LỆ CỦA LOÀI NGƯỜI (ÉTIENNE DE LA BOëTIE)

  LỜI NGỎ

Quý độc giả thân mến,


Khi quý vị đọc đến những dòng chữ này thì chính tôi xin gửi lời cám ơn chân thành đến quý vị!

Được anh Nguyên Khả Phạm Thanh Chương có nhã ý đề nghị dịch một bài viết của Étienne de La Boëtie, nguyên bản là tiếng Pháp, và tôi dùng bản đã được dịch sang tiếng Đức để dịch sang tiếng Việt; chính bản thân tôi không ước muốn gì hơn là có người bỏ thời gian ra đọc bài dịch của mình.

Sau một thời gian không dài lắm, bản phỏng dịch hoàn tất, tôi hiểu rõ và trân quý hơn những người đã tham gia công tác dịch thuật, đầu tư công sức, thời gian để chuyển ngữ những tác phẩm, những bài viết, bài báo,…có giá trị của nước ngoàicho cộng đồng người Việt chúng ta (cũng như các ngôn ngữ khác) thưởng thức hay tham khảo dù với mục đích hay từ độnglực nào.


Đa tạ quý độc giả đã chọn đọc bài dịch này, vì tôi biết đại đa số người Việt Nam chúng ta không mấy ai ham mê đọc sách. Phần lớn người dân chỉ thích đọc những câu chuyện giải trí đơn giản, rẻ tiền để mua vui phút chốc, còn những bài viết có nội dung đề cập đến những vấn đề mang tính phổ quát hoặc chuyên sâu về con người và xã hội, ví dụ như tác phẩm tư tưởng của Etienne De La Boetie này, dù dung lượng chưa đầy 20 trang giấy, nhưng lại không được mấy người quan tâm. Vì sao vây? Chắc rằng quý vị cũng đã tìm thấy được câu trả lời.


Bài viết của Étienne de La Boëtie, TÍNH ĐẾN NAY 2010, có hơn 400 năm tuổi thọ, nhưng tôi cảm thấy dường như nó mới vừa được tác giả khởi bút hôm qua để diễn tả bản chất con người và thế giới mà chúng ta đang tồn tại và hiện diện trong thời đại hôm nay. Nó giúp chúng ta hiểu ra rằng: Bất kỳ thời điểm nào, trong quá khứ, hiện tại hay trong tương lai; bất cứ ở nơi đâu có sự sống của con người thì kẻ thống trị luôn dùng mọi thủ đoạn để lấy đi thứ quý giá nhất của tất cả chúng ta, đó là TỰ DO. Và chính lòng khao khát tự do là điểm xuất phát để chúng ta nhận thức được sự khác biệt và giá trị của con người chúng ta so với thú vật.


Ngày hôm nay, chúng ta có những con mèo không còn biết bắt chuột, những con chó không còn biết săn thú, những con heo chỉ biết ăn cám,… Tất cả chúng sẽ chết nếu không được chúng ta cung cấp thức ăn. Quý vị có bao giờ nghĩ rằng số phận của quý vị sẽ có một ngày giống như vậy không? Chắc quý vị sẽ cho rằng tôi đang kể chuyện hoang đường hay viễn tưởng cũng như con người đã từng không tin là có chuyện hàng triệu triệu con người xuyên suốt trong lịch sử loài người phải chịu khuất phục trong tay của một tên bạo chúa. Quý vị hãy nhìn Việt Nam hôm nay thì rõ. Triệu triệu người đang chịu khuất phục trước một đảng độc tài. Và Việt Nam không là một ngoại lệ vì còn có Trung Quốc, Cu-ba, Bắc Hàn, Iran, Afganistan,… Họ cũng có một hoàn cảnh giống như Việt Nam. Vì vậy, nếu chính quý vị không biết khát vọng, không mong ước hay bảo vệ tự do của chính mình thì sẽ có một ngày quý vị cũng chẳng khác nào những con chó không biết đi săn, những con mèo không biết bắt chuột và những con heo chỉ biết ăn cám trong chuồng,… Hoàn toàn bị lệ thuộc vào những tên bạo chúa. Sự tự do sẽ không bao giờ có được nhờ tên hiệu của quốc gia mà quý vị đang sống như: Dân Chủ, Cộng Hoà, Xã Hội Chủ Nghĩa,… Vì bản chất của kẻ cầm quyền luôn là bản chất của những tên bạo chúa, và bản chất bán khai của con người chúng ta là tự nguyện làm nô lệ. Sự tự do chỉ được bảo đảm qua sự mong muốn và bảo vệ từ trong chính mỗi con người chúng ta.


Nhận thức của từng quý vị sẽ xác định giá trị nhân phẩm của chính mỗi người và sự nhận thức cũng chính là thành trì vững chắc nhất để bảo vệ tự do cho quý vị. Nhận thức càng cao thì sự khẳng định càng rõ ràng hơn nữa giá trị làm người, và thành trỉ bảo vệ tự do càng mạnh mẽ, vững chắc hơn.


Để nâng cao nhận thức thì việc quý độc giả đang thực hiện đó chính là đã quyết định bỏ thời gian ra để đọc những ý nghĩ của Etienne De La Boetie, mà theo cách suy nghĩ nông cạn, cho là chẳng làm ra miếng cơm manh áo hay tiền của lợi lộc gì, và có thể nói là vô tích sự ...Nhưng chính những tư tưởng này đã thúc đẩy những con ngưòi cùng nhau làm “những chuyện trên trời vô bổ” để xây dựng thành đời sống tự do dân chủ mà chúng ta đang được thấy hôm nay.



Trước khi quí vị đi vào bài luận đề tư tưởng của Étienne De La Boetie, Xin quí nhớ lượng thứ là bản dịch này chiều theo bản tiếng Đức đã được dịch cách đây 100 năm, Tôi lại đang ở Đức và không có khả năng dùng nguyên bản tiếng Pháp. Những lỗi sai nếu có của bản dịch tiếng Việt là do Tôi thiếu sót, mong được quí độc giả cao minh góp ý sửa chữa.


Một lần nữa,xin chân thành cám ơn quý vị!


Thiên Chương NV


P.s.: Cuối cùng xin được chân thành cám ơn anh Minh Triết, anh Nguyên Khả Phạm Thành Chương,và tất cả các anh chi em khác đã giúp tôi trong việc phỏng dịch tác phẩm “Nô Lệ Tự Nguyện” này.


-------------------------------------


Lời mở đầu của Gustav Landauer, tác giả bản dịch tiếng Đức.


*Gustav Landauer, nhà tư tưởng chính trị , nhà cách mạng dân chủ tự do phi chính phủ của Đức. Sinh ngày 7 tháng 4 năm 1870 tại Karlsruhe, Germany — Mất ngày 2 tháng 5 năm 1919 in Munich, Germany. Ông dịch tác phẩm Nô Lệ Tự Nguyện này của La Boetie như là một tài liệu phổ biến để thúc đẩy dân trí cho cuộc cách mạng dân chủ ở Đức vào thời ông đang là sinh viên ở cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20)




Étienne de La Boetie (1530 - 1563), đã hoàn thành bài viết của mìnhtrước năm 1550, cách đây khoảng hơn 360 năm(tính từthời của Gustav) . Tuy chỉ lưu hành dưới dạng những bản chép tay trong giới trẻ lúc bấy giờ nhưng đứa con tinh thần của tác giả đã gây chấn động dư luận ngay từ khi nó mới ra đời. Michel Montaignes đọc một bản sao. Sau đó, tìm đến Étienne de La Boetie và kết bạn với ông. Michel Montaignes là người có tư tưởng cách mạng cộng hòa đã chống lại các triều đình phong kiến vua chúa tại Anh, Pháp, Hòa Lan và những thểchếchuyên chếtại những nơi này. Qua đó, bài viết được nhiều người biết đến. Rồi nhóm cách mạng Pháp thếkỷ XVI đã cho in bản đầu tiên mà không có sự đồng thuận của Montaignes. Nó được ban biên tập đặt cho một cái tên thật chính xác “Le Contr’un”, cái tên này không thể dịch qua tiếng Đức, mà chỉcó thểmượn từđểdịch ý nghĩa của nó “Der Anti-Monos” (Chống độc tài). Chữ“Monos” ởđây không chỉcó nghĩa là quân vương của triều đại phong kiến mà còn có nghĩa là tất cảnhững gì đi ngược lại với quan điểm của nhóm chủbiên.

Sau này, Montains trình bày rõ tư tưởng của bạn mình hơn trong một quyển sách của ôngvà dành riêng một phần để viết về tình bạn đặc biệt với Etiene de la Boetie, tuy chỉ dưới góc nhìn riêng của Montains. Nhưng, nó chỉ được đánh giá như một tác phẩm văn học. Cho tới giữa thế kỷ thứXIX, Lamennais (một mục sư, triết gia và viết sách chính trị người Pháp) mới là người nhìn ra được tầm vóc, ý nghĩa, nền tảng chính tri của bài viết này. Trong quyển sách “ Die Revolution” (Cuộc Cách Mạng) của mình, ông đã trình bày khá cụthểtư tưởng của Étienne de La Boëtie.


Gustav Landauer

======================== ****** ========================
Étienne de La Boëtie
Sự Nô Lệ Tự Nguyện của Loài Người


Feigheit (Tính Hèn Nhát)


“Thật tai hại khi bị nhiều kẻ cai trị, chỉ cần một người cai trị thôi.”


Đây là lời tuyên bố của Ulysse trước quần chúng Romer được Homer thuật lại.(Homer văn hào cổ Hy lap viết thơ sử Hy Lạp cổ đại, người hát rong, sống vào khoảg thế kỷ thứ VIII trước công nguyên. Hai tác phẩm nổi tiếng của ông là lliad và Odyssey.)


Nếu như Ulysses chỉ nói:““Thật tai hại khi bị nhiều kẻ cai trị”thì đó là một câu nói rất đúng. Nhưng bằng lý trí, ông ta phải nói sự thống trị của nhiều người không mang lại lợi ich gì bởi vì chỉ cần quyền lực thuộc về duy nhất một người như ông ta thôi, qua những biểu lộ khi phát biểu vung tay múa chân một cách mạnh mẽ và không suy nghĩ của ông ta, biều hiện giống như một ông chủ, đã phản lại hết ý nghĩa trong tuyên bố tiếp theo của chính mính:“chỉ cần một người cai trị thôi.”


Tuy nhiên, chúng ta có thể bỏ qua cho Ulysses, ông ta phải nói như vậy để trấn áp một cuộc nổi loạn của đám quân đội lúc bấy giờ. Theo nhân xét của tôi, lời phát biểu của Ulysses đáp ứng hoàn cảnh thực tại hơn là diễn tả sự thật. Để nói đúng, phải thấy được rằng: Chịu sự cai trị của một người là một bất hạnh khủng khiếp vì chúng ta không thể biết trước được kẻ cai trị sẽ như thế nào khi mà mọi người luôn phải chịu lệ thuộc vào quyền lực của ông ta, khi mà ông ta luôn có quyền lực để tàn ác bất cứ khi nào ông ta muốn. Vậy, nếu có nhiều ông chủ hơn nữa thì khác nào đó là cơ sở để tai họa được nhân lên nhiều lần.


Vào thời điểm này, tôi không muốn bàn luận về đề tài: Thể chế cộng hòa có tốt hơn thể chế quân chủ không? Vì nó đã được tranh luận rất nhiều và không còn gì để ngờ vực nữa. Nếu như tôi muốn bàn luận về đề tài này, trước tiên, tôi phải tìm được vị trí của thể chế quân chủ thấp như thế nào so với thể chế cộng hòa. Mà điều này, tôi không tin là có thể làm được, vì thật khó tin được trong các nước theo thể chế quân chủ lại còn có một cái gì thuộc về của công chúng khi mọi cái đều nam trong tay một người cai trị. Câu hỏi này, tôi hẹn vào một dịp khác sẽ bàn luận sâu hơn vì đây là một đề tài chính trị gây nhiều tranh cãi.


Lần này, tôi chỉ muốn đi sâu vào đề tài: Làm thế nào mà rất nhiều người, nhiều làng xã, nhiều thành phố, nhiều quốc gia lại chịu khuất phục dưới một tên bạo chúa duy nhất? Trong khi tên bạo chúa này không hề có quyền lực gì ngoại trừ chính người dân đã trao cho hắn.Quyền lực của bạo chúa chỉ gây tổn hại người dân khi người dân muốn chấp nhận chịu đựng; ngược lại, hắn sẽ không thể gây tổn thương người dân khi họ phản kháng. Thật kỳ lạ nhưng cũng thật bình thường và đáng thương hơn là đáng ngạc nhiên khi hàng triệu triệu người chịu làm nô lệ đê hèn và còng lưng đeo cái ách vào cổ. Hoàn cảnh của chính họ không phải do sức mạnh nào ép buộc mà dường như do bị phù phép, bị ma ám dù chỉ trước một cái tên của một kẻ mà quyền lực của hắn không có gì đáng để sợ bởi vì hắn cũng chỉ đơn độc một mình. Và người ta cũng không cần yêu thương hắn vì bản chất của hắn chỉ đi ngược lại đạo lý con người và tàn ác. Đây chính là điểm yếu của con người vì họ luôn nghĩ: Chúng ta phải chiụ khuất phục trước kẻ mạnh, chờ thời, chúng ta không thể luôn là kẻ chiến thắng. Khi cả một dân tộc thất bại trong một cuộc chiến như là cuộc chiến thành Athen xưa bị mất trong tay 30 tên bạo chúa, (Năm 404 TCN, khi Athene bị thua trận Peloponne về tay người Sparta; và bị đặt dưới sự cai tri của nhóm thống trị gồm 30 tên pháp quan người Spartans trong 8 tháng, sau đó người ta chịu không thấu và nổi lên đánh đuổi đám này) thì chúng ta không có gì phải ngạc nhiên khi con người chỉ biết phục vụ, chúng ta chỉ có thể than trách cho số phận. Hay đúng hơn,chúng ta đừng hỏi tại sao mà hãy nhẫn nại chịu đựng sự cùng cực và hy vọng vào một tương lai tươi sáng.


Chúng ta có trách nhiệm với cộng đồng và mối liên hệ với cộng đồng sẽ lấy đi một phần của cuộc sống chúng ta. Chúng ta nên biết mang ơn, tri ân những người làm điều tốt cho chúng ta; biết san sẻ một phần hạnh phúc của chúng ta cho người chung quanh, những người chúng ta yêu thương, những người đáng được nhận lãnh để nâng cao danh dự và quyền lợi của họ. Đó là quy luật tự nhiên. Khi một dân tộc trải qua thử thách, tìm được một vị anh hùng có tầm nhìn xa để lãnh đạo họ, có lòng can đảm để bảo vệ họ, có lòng độ lượng để chăm sóc họ để rồi họ tự nguyện quyết định nghe lời, tuân phục, tin tưởng người này đến nỗi có thể trao mọi quyền lợi của mình cho hắn. Tôi không tin đây là quyết định sáng suốt, vì hành động này đem một người đang làm việc trong một môi trường có thể tạo ra những thành quả tốt, đặt vào môi trường quyền lực mà anh ta có thể làm ra những điều tàn hại. Nhưng, dường như đây là bản tính tự nhiên của con người. Con người không muốn tin là những người như vậy có thề làm việc ác, chỉ có thể làm việc tốt mà thôi. (đó là cách nhìn mà người Việt nhìn về Hồ , Diệm, nhìn về Nhà Nước Chính Phủ)


Trời ơi! Hiện tượng như thế là cái gì đây ? Chúng ta giải thích làm sao đây? Tại sao lại có sự không may mắn như vậy hay tại sao lại có một gánh nặng như thế? Đúng hơn, tại sao có cả hai? Cái gì thế này, khi vô số người không chỉ vâng lời mà chịu lệ thuộc; không phải bị cai trị mà chịu bị quàng cái ách vào cổ mình bởi một tên bạo chúa. Khi mà hắn không phải người tốt cũng không phải cha mẹ, con cái, không thân quen với họ! Bạn đừng nghĩ người dân phải nhân nhượng trước sự tước đoạt man rợ này vì bọn chúng nó là một đạo quân, một bọn cướp dữ dằn và khi chống lại chúng nó, người dân sẽ phải hy sinh, đổ máu. Không, kẻ đó chỉ là một người tầm thường,nhỏ bé; tệ hại hơn nữa, kẻ này thường chỉ là một đứa con nít chưa ráo sữa, một kẻ hèn nhát nhất trong những kẻ hèn nhát; một kẻ không chỉ chưa bao giờ biết đến mùi thuốc súng mà còn chưa biết gì về khái niệm chiến tranh hay được vùi dập trong cát bụi đấu trường; không phải là một người biết chỉ huy mà chỉ là một tên hèn mạt núp dưới váy người phụ nữ bé nhỏ nhất. Chúng ta nói đó là sự hèn nhát sao? Có phải chúng ta sẽ nói họ là những con rùa rụt cổ, những con thỏ đế chết nhát? Một, hai, ba, bốn người chịu khuất phục trước một người đã là chuyện lạ nhưng vẫn có thể xảy ra. Chúng ta còn có thể biện minh rằng: Do họ thiếu lòng can đảm. Nhưng, khi hàng trăm, hàng vạn người chịu để cho một kẻ duy nhất hành hạ thì chúng ta phải chấp nhận: Họ không muốn tự làm chủ, họ không dám đứng lên. Chúng ta không thể gọi thái độ đó là hèn nhát nữa mà là đê hèn, đốn mạt thật đáng khinh bỉ! Khi người ta thấy không phải một trăm,một ngàn người mà hàng trăm làng, hàng ngàn thành phố, hàng triệu người không dám phản kháng trước một kẻ duy nhất. Kẻ đó coi họ như người làm thuê, là nô lệ. Các bạn có thể gọi đó là gi? Nếu không phải là đê hèn?

Von der Freiheit und Trägheit eines Volkes(Từ sự Tự do và lười biếng của một dân tộc)


Tất cả mọi sự chịu đựng đều có giới hạn, không ai có thể đi qua giới hạn. Có thể chấp nhận được khi hai hay mười người chịu khuất phục trước một người nhưng khi hàng ngàn, hàng triệu người; khi hàng ngàn thành phố không chống lại được một người thì đó không thể là hèn nhát nữa vì hèn nhát không xấu xa như vậy. Bởi vì, không thể tin được chỉ với lòng dũng cảm mà một người có thể chiếm được một cái thành, đánh tan được một đạo quân hay lật đổ được một triều đình vì lòng dũng cảm cũng không ghê gớm đến như vậy. Cái gì có thể khủng khiếp đến thế, đến nỗi từ HÈN NHÁT không diễn tả hết được ý nghĩa của nó, đến nỗi chúng ta không tìm ra một từ nào để diễn tả cho sự việc này vì ngay đến tự nhiên cũng không bao giờ có thể tạo ra những điều kinh tởm đến như vậy.


Nếu để hai đội quân, mỗi bên năm chục ngàn người, đánh nhau. Một bên chiến đấu cho sự tự do, bên kia chiến đấu để cướp bóc thì đội quân nào sẽ chiến thắng và những ai sẽ ra trận anh dũng? Những người chiến đấu, hy sinh cho sự tự do của chính họ hay những kẻ chiến đấu chỉ mong đợi phần thưởng duy nhất là sự nô lệ của những người khác? Một bên phần thưởng cho sự hy sinh chiến đấu là cuộc sống tự do còn bên kia chiến đấu chi để bắt kẻ khác làm nô lệ cho mình. Một bên luôn có trước mắt họ cuộc sống hạnh phúc trước đây và hy vọng một cuộc sống đầy đủ hơn, bình đẳng hơn trong tương lai. Chính vì vậy, cái giá phải trả trong trận chiến thật quá nhỏ so với điều mà họ, con cái họ và tất cả những thế hệ về sau của họ phải gánh chịu nếu họ thua trận. Một bên chiến đấu chỉ để thỏa mãn lòng tham, sẽ mất nhuệ khí chiến đấu ngay trong trận chiến đầu tiên khi họ bị một vết thương nhỏ. Chúng ta hãy nhớ tới những trận đánh lừng danh trong lịch sử như trận đánh của Miltiades, Leonidas, Themistokles. (Miltiade slà nhà chính trị và một tướng tài của Hy Lạpvào khoảng 550- 489 trước công nguyên đã chiến đấu và đánh tan quân quân Ba Tư bảo vệ thành Athen. Leonidas là một vị tướng nổi tiếng của Hy Lạp vào năm 480 trước công nguyên chỉ với 5.200 quân, ông đã đánh bại 50.000 quân Batư.Themistokl (535-459 trước công nguyên) là một tướng nổi tiếng của Hy Lạp với trận thủy chiến tại Salamis.). Những trận đánh này xảy ra cách đây hai ngàn năm, nhưng dường như là những trang sử chưa khô mực, in đậm trong ký ức chúng ta như vừa mới xảy ra ngày hôm qua tại Hy Lạp và là bài học cho mọi dân tộc. Ai có thể tin được, một nhóm người nhỏ bé, ít ỏi như Hy Lạp lại có thể đánh tan đội chiến thuyền hùng hậu đã chinh phục không biết bao nhiêu quốc gia, phải chịu thất bại trước một Hy Lạp bé nhỏ, khác nào châu chấu đá xe. Vì người Hy Lạp đã chiến đấu không phải bẳng bạo lực mà bằng lòng can đảm.Nó không còn là sự chiến thắng của Hy Lạp chống Ba tư mà là tinh thần độc lập chiến thắng sự nô lệ, sự tự do đánh bại độc tài.


Thật kỳ lạ, khi nghe thuật lại về lòng dũng cảm luôn có ở nhưng người khi trong tim họ chứa đựng tự do, chính sự tự do này sẽ bảo vệ ho. Nhưng con người làm gì hang ngày trên thế gian này, để một thằng lưu manh tàn phá hàng trăm ngàn thành phố và cướp đi sự tự do của họ? Ai có thể tin vào điều này nếu không chính mắt thấy tai nghe? Nếu như chuyện xảy ra ở một phương trời xa lạ nào đó, người ta chỉ nghe thuật lại thì người ta chắc chắn sẽ không ngần ngại nói rằng: Đây chỉ là chuyện cổ tích, chuyện bịa đặt mà thôi. Hơn thế, nếu người ta biết được, người ta không cần đánh nhau, kháng cự lại tên bạo chúa thì chính nó sẽ tự huỷ diệt; người dân chỉ cần không tự nguyện làm nô lệ, không cần phải lấy của tên bạo chúa bất cứ cái gì, người dân chỉ cần không tiếp sức cho tên bạo chúa. Người dân không cần tự đày đoạ mình để làm gì đó cho chính họ, chỉ cần người dân đừng tự hành hạ mình làm những việc chống lại chính mình. Người dân chỉ cần để yên cho tên bạo chúa chết dần, chết mòn hay nói đúng hơn là người dân không phải để mà hãy làm bởi vì chính khi người dân không chịu tự nguyện làm nô lệ nữa, chính là lúc họ được tự do. Khi người dân tự nguyện làm nô lệ và tự cầm dao cắt lấy cổ mình. Lúc nào người dân cũng có quyền chọn lựa tự làm nô lệ hay là tự do. Hãy quyết định cho tự do và tháo bỏ cái ách nô lệ xuống, quàng nó vào cổ tên bạo chúa và đuổi nó đi. Nếu người dân phải hy sinh cái gì để đổi lấy sự tự do, họ cũng không cần phải vội vàng. Mặc dù không có gì quý hơn là giành lại những quyền tự nhiên căn bản của mình, giống như là từ kiếp cầm thú đưọc làm người trở lại. Nhưng chính tôi không đòi hỏi một người sự táo bạo gan lì đó, hãy để người ta thích chọn sự an toàn không rõ rệt của đời sống thấp thỏm với niềm hy vọng chập chờn làđược sống như người ta muốn… Vậy rồi sao đây? Nếu con người muốn tự do, thì không cần gì khác hơn là lòng khao khát tự do, chì đơn giả là ước vọng tự do, thì có một dân tộc nào trên thế giới này lại thấy cái ước muốn đớn giản đó quá đắt để đòi lại những quyền mà người ta sẵn sàng đánh đổi bằng cái giá xương máu, những quyền mà đến nỗi khi mất khiến tất cả những con người trọng danh dự đến một cực điểm cảm thấy đời sông không thể chiụ đựng được và ngay chính cái chết là một sự giải phóng không?


Cũng tương tự như hình ảnh từ một ngọn lửa nhỏ sẽ càng bùng lên khi người ta cung cấp thêm gỗ và sẽ cháy nhỏ lại khi người ta không cung cấp gỗ cho nó nữa và rồi ngọn lửa không thể lan rộng rồi sau đó từ từ lụi tàn trong chính nó và không tồn tại nữa. Những tên bạo chúa cũng vậy. Khi chúng nó cướp bóc người dân càng nhiều, huỷ hoại, tàn phá càng nhiều thì chúng nó càng man rợ. Và khi người ta càng phục tùng chúng nó thì sự điêu tàn, sức hủy diệt càng mạnh. Cho đến khi, con người không còn cộng tác, tuân phục thì chúng nó sẽ không còn trận chiến, không còn đối thủ. Chúng nó sẽ lẻ loi, trần trụi và tự chết đi. Giống như một gốc cây không được tưới nước và chăm bón thì sẽ trở thành một khúc gỗ chết khô.


Khi đủ can đảm để bảo vệ lẽ phải, người dân không còn sợ sệt trước nguy hiểm và ái ngại trước cực nhọc. Lúc đó, sự hèn nhát và lười biếng không còn đất sống, không có khả năng chiến thắng điều tốt.Người ta chỉ cần có sự mong ước, dang tay ra đón nhận sự dũng càm thì sự hèn nhát sẽ mất đi. Chỉ cần sự mong muốn, điều mà mọi người tự nhiên đã có. Sự ước muốn mà tất cả, từ người khôn ngoan hay kẻ ngu dốt, người gan dạ hay kẻ hèn nhát, đều có chung ước muốn này. Họ mong ước một cuộc sống hạnh phúc, hài lòng và vui vẻ. Điều duy nhất mà tôi không thể hiểu nổi, làm thế nào con người đánh mất đi bản năng mong ước tự nhiên của họ. Đó là mong ước sự tư do. Một tài sản cao quý và thiêng liêng sẵn có của con người. Đây là nguyên nhân để cho sự ác nổi lên và làm cho ngay cả một chút gì còn sót lại như là hương thơm và gốc rễ của nó bị chết đi vì bị sự nô lệ thiêu hủy. Con người không yêu quý tự do, quý vị hãy sửa sai cho tôi nếu như tôi nhận định sai, bởi vì nếu con người yêu quý tự do thì họ đã biết trân quý món quà của thiên nhiên trao ban cho họ rồi. Không có một dẫn chứng nào nói lên là con người biêt quý trọng tự do, tôi còn tin ngược lại nữa, vì nếu con người yêu quý tự do thì làm sao giải thích đuợc việc họ quá coi nhẹ việc họ mất tự do?


Ueber Die Natur des Menschen(Bản tính tự nhiên của loài người)

Loài người thật tội nghiệp, nghèo nàn, thảm hại. Các bạn chỉ biết than khóc trước bất hạnh của các bạn và gạt bỏ liều thuốc cứu chữa các bạn bằng chính sự mù quáng của mình. Các bạn để cho chúng nó cướp đi một phần lớn lợi tức của các bạn: ruộng vườn, nhà cửa và hơn thế,chúng nó cướp đi cả gia tài mà người cha đáng kính đã để lại cho các bạn. Các bạn tự chấp nhận số phận và tự an ủi mình: Những thứ đó không thuộc về chúng ta. Các bạn vui vẻ chấp nhận chỉ với một nửa của số tài sản, gia đình, cuộc đời vốn của các bạn. Và tất cả những thiệt hại, than vãn, tàn phá xảy ra cho các bạn không phải do kẻ thù các bạn gây ra mà chính các bạn cho phép chúng nó gây ra. Cũng chính những kẻ các bạn đã cho rằng chúng nó anh hùng trong chiến tranh, những kẻ mà các bạn đã không từ chối hy sinh chính mạng sống của chính mình cho chúng nó, những kẻ các bạn chịu phục tùng và coi là vĩ đại này, chúng nó chỉ có hai tay, hai mắt, cũng chỉ một thân thể và rất bình thường, bình thường nhất trong muôn người tại nơi bạn sống. Điều chúng nó hơn các bạn chính là điều chính các bạn tự ban cho chúng nó và qua đó, chúng nó hủy hoại các bạn. Ở đâu chúng nó có nhiều tai mắt như vậy để kiểm soát các bạn nếu chính các bạn không giúp chúng nó? Tại sao chúng nó có nhiều tay chân để đánh đập các bạn nếu chúng nó không được chính bàn tay các bạn giúp đỡ? Lấy chân đâu để chúng nó chà đạp lên những thành phố của các bạn nếu không phải là chính chân của các bạn? Làm sao chúng nó có bất cứ quyền lực gì với các bạn nếu như không phải từ chính các bạn ban cho? Làm sao chúng nó dám đàn áp các bạn nếu chúng nó không phải là một thành phần trong các bạn? Chúng nó có thể làm gì các bạn nếu các bạn không phải là những người tòng phạm giết người thay cho tên gian manh này?

Chính hắn (hay bọn nhà nước) là đứa cướp bóc các bạn và chính các bạn lại là kẻ bán đứng các bạn. Các bạn gieo trồng ngay trên mảnh đất mà chúng nó tàn phá; các bạn làm giàu, nuôi gia súc để chúng nó cướp đi tất cả; các bạn nuôi lớn con gái để chúng nó thỏa mãn thú tính; nuôi lớn con trai để chết cho chúng nó trong những trận chiến phục vụ chúng nó khi chúng nó cần, phục vụ những tham vọng và làm công cụ thỏa mãn lòng oán hận của chúng nó. Các bạn lao động khổ sai để cho chúng nó được sung sướng và được thỏa mãn những thú tính. Các bạn tự đày đọa chính mình để chúng nó ngày càng mạnh hơn. Chúng nó cầm cương các bạn và chà đạp nặng nề lên nhân phẩm các bạn đến nỗi các bạn không còn cảm nhận được nữa hay không thể chịu đựng nổi nữa. Các bạn có thể giành lại tự do nếu các bạn dám. Ở đây không phải là dám giải phóng mà chỉ là dám muốn tự do. Hãy quyết tâm không làm nô lệ nữa thì các bạn trở thành người tự do. Tôi không muốn các bạn phải đánh đuổi cũng như lật đổ tên bạo chúa nhưng đừng ủng hộ hắn và rồi các bạn sẽ thấy hắn giống như một bức tượng khổng lồ bị lấy đi điểm tựa, sẽ tự sụp đổ và vỡ tan ra thành từng mảnh.


Nhưng, chắc chắn sẽ là một lời khuyên tốt khi bác sĩ khuyên người ta đừng đụng vô vết thương khi không còn cách chữa. Và điểm này sẽ không đúng nếu như tôi khiển trách người dân đã từ lâu không còn biết gì về sự tự do. Chính vì vậy,căn bệnh này đã đi vào giai đoạn cuối, đến nỗi họ không còn cảm nhận được sự hôi thối của vết thương. Chúng ta thử tìm hiểu xem nguyên nhân nào con người để cho sự khao khát làm nô lệ bám rễ sâu đến thế, sâu đến nỗi ta có cảm giác dường như là lòng yêu tự do không còn là tự nhiên nữa.


Điều đầu tiên tôi khẳng định, không còn nghi vấn nếu chúng ta sống theo quy luật tự nhiên mà Tạo Hóa đã ban tặng chúng ta và sống theo các bài học tự nhiên qua cách tuân phục cha mẹ một cách hiển nhiên. Sự tuyệt đối tuân phục không cần lưu tâm đến chung quanh là bản chất tự nhiên của con người. Điểm này có sẳn trong mỗi chúng ta. Phải chăng lý trí của chúng ta là bẩm sinh? Điều nàyđược các trí thức tranh cãi rất nhiều và không đồng thuận nhau. Mỗi trường phái có cách lý giải riêng của mình. Và lúc này, đã có đủ dẫn chứng để tôi kết luận: Trong tâm hồn chúng ta có hạt giống của lý trí. Khi hạt giống lý trí được chăm sóc cẩn thận bằng lời khuyên và tập tục tốt thì kết quả sẽ là sự anh hùng; ngược lại, cái mầm này thường không thể chống lại được những gánh nặng rồi khô héo dần và chết đi. Nhưng chắc chắn, nếu có một cái gì đó rõ ràng, tự nhiên tỏa sáng và ở nơi nào đó không một ai có thể không thấy được thì những người giúp việc cho ông Trời, ông Bụt, bà Tiên đã tạo ra con ngưởi dưới hình thức này, theo một khuôn mẫu duy nhất để chúng ta xem nhau như bạn bè hay hơn thế nữa là anh em.Và khi con người có chung một bản chất như nhau mà ông trời (tự nhiên, thiên nhiên) đã trao ban, tuy mỗi người trong chúng ta có những khác biệt vể thể chất hay trí não. Nhưng, đây không phải là ý muốn của Đấng thiêng liêng đã tạo ra chúng ta, dùng những khác biệt này để gây ra chiến tranh cũng như dùng sức mạnh và sự thông minh để con người giống như những tên cướp có vũ trang trong rừng, chờ những người yếu đến để cướp giựt họ.Đúng ra, người ta phải tin rằng, ông Trời ban cho chúng ta sự khác biệt, có kẻ yếu, người mạnh để chúng ta tạo dựng một nơi đầy tình huynh đệ, để ông Trời minh định: Nơi này có những con người có khả năng giúp người khác và có những người hoạn nạn để đón nhận sự giúp đõ này.

Bởi vì người mẹ thiên nhiên đã nhào nặn chúng ta từ một loại bột bụi duy nhất để mọi người phản chiếu chính họ trên những ngưòi xung quanh và để chúng ta nhận ra mọi người đều bình đẳng. Giọng nói và ngôn ngữ là món quà chung của chúng ta đến từ Tạo Hoá để mang chúng ta lại gần với nhau, tiếp sức cho nhau và trao đổi tư tưởng với nhau để tạo thành một xã hội như chúng ta mong muốn. Và khi Tạo Hóa với mọi khả năng chỉ cho chúng ta thấy mối liên kết chặt chẽ của chúng ta, Người đã không những chỉ muốn chúng ta đoàn kết mà còn muốn hợp nhất chúng ta thành một khối. Vì vậy, không còn gì nghi ngờ. Tất cả chúng ta là anh em và không ai được cho rằng thiên nhiên đã tạo ra bất kỳ một hình thức nô lệ nào.


Drei Arten von Tyrannen
(Ba loại Bạo Chúa)


Trên thực tế, việc tranh cãi về tự do là sự hiển nhiên hay không, không có ý nghĩa. Vì, người ta không thể không làm những điều bất chính mà có thể bắt người khác sống trong nô lệ. Điều này đi ngược lại quy luật tự nhiên. Vì thế, có thể kết luận, sự tự do là hiển nhiên. Cũng như vậy, nhận định của cá nhân tôi là chúng ta không chỉ sinh ra có quyền sở hữu sự tự do mà còn để bảo vệ cho sự tự do của mình. Nếu như chúng ta còn có thể nghi ngờ, chưa tin hay chưa nhận ra tự do là một bản tính tự nhiên của chúng ta thì lúc này, thật cần thiết để tôi được vinh hạnh mời các bạn đến đây và ngồi xuống. Và tôi sẽ mời những con thú hoang dã lên bục giảng dạy cho các bạn hiểu rõ vể bản năng tự nhiên cũng như những điều luật căn bản tự nhiên của các bạn.Vì đứng trước ông Trời, khi loài người không quá điếc thì muôn thú sẽ gào to với con người là: “Tự Do Muôn năm!”. Muôn loài sẽ chết nếu phải sống trong cảnh cầm tù như con cá sẽ rời bỏ sự sống khi bị bắt ra khỏi nước, không muốn tồn tại khi bị mất đi sự tự do bản năng của chúng.


Tôi nghĩ rằng, nếu trong xã hội của thú vật có giai cấp thì giai cấp có tự do sẽ là thành phần quý tộc. Những con thú, từ nhỏ đến lớn, khi bị con người bắt và giam trong chuồng, chúng sẽ dùng móng, mỏ và sửng của chúng để chống lại. Điều này chứng minh sự tự do có giá trị như thế nào với chúng và cho chúng ta thấy, ngay cả thú vật cũng biết giá trị của tự do. Khi chúng bị bắt, chúng sẽ cho chúng ta những biểu hiện rõ rệt về sự bất hạnh của sự giam cầm. Kể từ khi bị nhốt trong ngục tù thì sự sống của chúng không còn ý nghĩa gì nữa và chúng sẽ chết dần chết mòn. Sự hiện diện của chúng lúc này chỉ là để biểu lộ cho lời than vãn vể nỗi bất hạnh của một cuộc sống mất tự do hơn là thuần phục cuộc sống nô lệ.


Điều này nói lên tất cả mọi sinh vật đều đau khổ khi bị đàn áp và đều khao khát tìm kiếm tự do. Cả khi bị con người thuần hóa và thậm chí có thể quen thuộc với cuộc sống nô lệ, thú vật cũng vẫn luôn chống đối lại và luôn thể hiện bản tính hoang dã của chúng. Vậy, điều không may mắn nào có thể làm cho con người sống một cuộc sống trái với tự nhiên như vậy? Con người sinh ra là để sống tự do, làm sao con ngưòi có thể đánh mất đi bản năng đầu tiên này của mình? Và hơn thế nữa, mất đi nhu cầu tìm lại tự do?


Có ba loại bạo chúa. Một, là chúng nó được quyền lực nhờ sự chọn lựa của người dân, hai, là chiếm được quyền lực bằng sức mạnh của vũ khí, loại thứ ba, nhờ thừa hưởng quyền lực kế thừa (nhờ giới tính của chúng). Những kẻ giành ngai vàng bằng chiến tranh sẽ luôn chứng tỏ chúng đang sống trên mảnh đất mà chúng chinh phục được. Những kẻ sinh ra để làm vua thì cũng không tốt gì hơn vì chúng lớn lên trong dòng máu và cuộc sống của những tên bạo chúa, được nuôi dưởng bằng những giọt sữa bạo chúa nên cũng chà đạp lên đầu người dân như cha ông chúng đã từng làm. Và tùy thuộc vào bản tính của chúng, chúng tiết kiệm hay phung phí, chúng sử dụng vương quốc của chúng y như là tài sản thừa kế của riêng chúng. Những kẻ lên ngôi vua nhờ sự tin tưởng của người dân, tôi có cảm nhận là chúng nhẹ nhàng hơn. Điều này tôi nghĩ là đúng nếu như không có cái khoảnh khắc hắn biết hắn ở trên mọi người để rồi lòng tự cao, tự đại vượt qua chính bản thân và hắn không còn sợ người dân. Quyền lực người dân trao ban, hắn muốn truyền lại cho con cháu. Và rồi những tên bạo chúa mới này trở thành bạo chúa hơn những tên bạo chúa ban đầu. Chúng không thấy con đường nào khác để bảo đảm quyền lực cho con cái chúng ngoài việc phải làm nô lệ hoá người dân mạnh hơn nữa. Cho dù sự hồi tưởng về tự do trong ký ức người dân còn rất mới thì họ cũng xa lạ với sự thật là chính hắn, tên bạo chúa được tín nhiệm cũng cướp đi sự tự do của người dân. Đúng ra có sự khác biệt giữa những tên bạo chúa này với những loại bạo chúa khác. Nhưng, riêng Tôi, sự khác biệt này không có ý nghĩa gì vì cho dù có khác biệt về phương tiện để đạt được quyền lực nhưng bản chất của chúng vẫn chỉ là một mà thôi. Những kẻ được chọn lựa lên để nắm quyền giống như những tên thợ săn khi bắt được những con thú để rồi chúng luôn muốn thuần hoá những con thú này. Còn bạo chúa lên ngôi bằng bạo lực thì xem người dân như chiến lợi phẩm. Bạo chúa được quyền lực từ cha ông chúng nó, thì coi người dân như tài sản được thừa hưởng và đối xử với họ như những kẻ nô lệ tự nhiên.


Giả định hôm nay có một số dân tộc mới xuất hiện trên trái đất. Những dân tộc này không quen với cuộc sống nô lệ mà cũng không quen với cuộc sống tự do. Họ không ý niệm cũng như chưa hề nghe tới tên của của hai điều này. Những dân tộc đó sẽ quyết định lựa chọn cuộc sống nào nếu chúng ta cho họ sự lựa chọn? Thật dễ dàng ai cũng biết được câu trả lời là họ sẽ thích nghe theo và tuân phục lý trí hơn là làm nô lệ. Trên đời này, chắc chỉ có dân tộc Do Thái là ngoại lệ, một dân tộc không bị bắt buộc hay trong hoạn nạn mà sẵn sàng tự tạo cho mình một tên bạo chúa. (Chúa Trời Jehova). Tôi chưa hề đọc lịch sử dân tộc nào mà cảm thấy đáng kinh tởm như vậy, đến nỗi tôi phải cười trên sự đau khổ và sự vô nhân đạo mà dân tộc này phải chịu đựng. Tất cả mọi người đều biết, chỉ cần có một phần nào đó bản tính con người thì họ chỉ phải chịu nô lệ khi bị bắt buộc hoặc bị lừa dối. Bị bắt buộc bằng sức mạnh quân sự từ bên ngoài như dân tộc Sparta và Athen bị nô lệ bởi quân đội Alexander hay bị các đảng phái chính trị lừa dối như là sự tự hào dân tộc của Athen trước khi bị rơi vào tay của Pisistratus. Qua sự lừa đảo, thường người ta đánh mất tự do và thường chính họ lừa họ hơn là bị người khác lừa. Giống như người dân Syrakus, khi bị đe doạ bởi chiến tranh, họ chỉ còn nghĩ tới sự nguy hiểm và để cho Dionys lãnh đạo, trao cho hắn toàn quyền chỉ huy quân đội. Không quan tâm đến một điều rằng việc này sẽ biến hắn ta thành quá vĩ đại nên khi quay về với chiến thắng thì người hắn đánh bại không còn là kẻ thù mà chính là những người dân của hắn. Để rồi từ một vị chỉ huyquân đội trong chiến tranh, hắn trở thành một ông vua và từ ông vua trở thành một tên bạo chúa.Không thể tin được, một dân tộc làm sao có thể cam tâm làm nô lệ cho những kẻ như vậy và đánh mất đi tự do của mình và chìm đắm trong quên lãng, đến nỗi họ không thể đứng lên nhận lại sự tự do. Thật là nhanh, nhanh đến nỗi nếu người ta thấy được thì sẽ có cảm tưởng chính những người này không phải vừa đánh mất tự do mà là họ vừa tìm lại được cái ách nô lệ của họ.


Lúc ban đầu, chắc chắn người ta bị bắt buộc phải làm nô lệ và bị đàn áp bởi bạo lực. Nhưng rồi những thế hệ đi sau, những thế hệ không hề biết điều gì đã xảy ra với cha ông mình kể cả về tự do, họ sẽ tự nguyện làm nô lệ, không hề than vãn, cũng không hề hối tiếc. Họ làm điều này tự nguyện, không biết rằng chính cha ông họ đã bị ép buộc. Đó chính là nguyên nhân tại sao những người sinh ra và lớn lên trong cảnh nô lệ, không hề thầy gì khác hơn. Họ chấp nhận và sống tiếp tục như vậy giống nhưlà lúc họ sinh ra đã là như vậy. Họ không bao giờ nghĩ rằng mình có thể có những quyền khác hay cuộc sống khác hơn là cuộc sống hiện tại này. Để rồi họ tưởng cuộc sống hiện tại là tự nhiên.Không có gì lãng phí của thừa kế cho bằng khi người ta không thình thoảng nhìn lại mình được thừa kế những gìđề khẳng định được rằng mình đã nhận hết những gì được thừa kế hay không hoặc để biết được rằng có kẻ nào đó đã lấy cắp đi cái gì đó trong di sản của mình. Chắc chắn thói quen là thứ quyền lực lớn nhất đè nặng con người. Vì không một bạo lực nào dạy chúng ta tự nguyện làm nô lệ và chỉ cho chúng ta cách chấp nhận nô lệ như là một sự tự nhiên mà không hề thắc mắc.


Ueber die Ursachen freiwilliger(Nguyên nhân của sự tự nguyện làm nô lệ)


Qua cách loài người chấp nhận mọi điều như lẽ tự nhiên, từ việc họ chọn thực phẩm cho tới những thói quen, trong khi đây chỉ là bản năng sinh tồn, sống với những điều đơn giản mà xã hội chưa thay đổi họ. Đây chính là nguyên nhân thứ nhất của sự tự nguyện làm nô lệ. Họ nói rằng họ đã luôn là nô lệ và tưởng cha ông mình cũng từng sống như vậy. Họ nghĩ mình phải có bổn phận, phải giữ nguyên lề thói này và tự nguyện làm nô dịch cho những ông chủ trong khi chính những ông chủ này là bạo chúa của nhiều thế hệ đi qua. Nhưng trên thực tế, thời gian không lý giải cho việc làm bẩn thỉu mà chỉ làm cho sự bất công ngày càng nhiều hơn.


Có một số người bẩm sinh được Tạo Hóa ưu đãi. Những người này dễ dàng cảm nhận được gánh nặng của cái ách trên vai mình và họ luôn cố gắng thoát khỏi nó. Họ không bao giờ chịu bị khuất phục dưới ách nô lệ. Như Ulysses trong những lần đi chinh chiến dài trên biển hay trên đất liền, luôn nhớ về quê hương và bạn bè của ông. Họ không bao giờ quên những quyền tự nhiên của họ và luôn nghĩ tới cha ông, nguồn gốc của họ. Chắc chắn đây là những người có nhận thức tốt và một tâm hồn trong sáng. Họ không giống như đại đa số chỉ là những kẻ u mê. Họ biết nhìn trước ngó sau, biết duyệt lại lịch sử để đánh giá tương lai và so sánh với hiện tại. Đó là những con người, ngay trong gia đình đã có đầu óc sáng suốt và được hoàn thiện hơn nhờ giáo dục. Với những người này, cho dùsự tự do hoàn toàn mất đi trên trái đất thì họ cũng sang tạo ra được tự do từ ngay trong trí óc, trong tâm hồn. Họ cảm nhận được hương vị tự do; họ sẽ không bao giò làm quen được với sự nô lệ cho dù người ta có tô vẽ nó như thê nào.

Lãnh Chúa Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ (Sultan ở Constantinope) đã nhận ra rằng, hơn hết tất cả, sách vở và giáo dục là những phương tiện giúp con người thức tỉnh và căm ghét sự nô lệ. Vì vậy, trong nước của ông ta không được phép có nhiều thầy giáo hơn sự cho phép của ông ta, nên chỉ còn lại sự cố gắng và lòng nhiệt tình của một số người để bảo vệ tự do. Cho dù số người này nhiều đến đâu đi nữa, họ cũng không thành công vì họ đơn lẻ và không tìm đến với nhau được. Hành động tự do, nói năng tự do và nghĩ tự do cũng bị những tên bạo chúa cướp đi hết. Tự do chỉ còn tồn tại trong trí tưởng tượng của một số ít người lẻ loi. Thần Momus (vị thần về mỉa mai châm biếm trong thần thoại Hy lạp) đã nhận định không sai: Ngay vị thần làm Lửa (Vulcan thần lửa trong thần thoại Hy lạp) khi nhào nặn ra con người cũng không đặt vào tim nó cái cửa sổ nho nhỏ để ý nghĩ của nó được hiển thị. Nhưng mà nếu ta có thể mở cửa sổ của tâm hồn họ ra cũng không thể tìm thấy tại nơi đây còn lại một chút suy nghĩ nhỏ bé nào về tự do.

Và rồi nếu ai đó xem lại những gì đã xảy ra trong quá khứ, đọc lại sách sử sẽ thấy rằng những người nhìn ra được quê hương họ đang chìm trong tình trạng khốn cùng và nằm trong tay những kẻ bạo chúa để rồi họ hành động giải phóng thì hầu hết sẽ đạt được mục đích và chính sự tự do sẽ giúp họ thành công như Harmodiu, Aristogiton, Thrybu, Valerius và Dion, đã có được niềm vui trong khi họ thực hiện. Tất cả đều biết điều kiện dẫn đến thành công là phải xuất phát từ thiện ý.Brutus em và Cassius tự nguyện trong việc chống lại áp bức nhưng họ đã chết sau khi giành lại được tự do. Điều này không có gì đáng trách khi cuộc sống cũng như cái chết của những người này thật tốt đẹp.Nhưng, cái chết của họ là một thiệt hại lớn, một sự bất hạnh vĩnh viễn là sự hủy hoại nền cộng hòa. Theo nhận xét của tôi, nền cộng hòa đã bị chôn chung cùng với họ xuống mồ. Những nỗ lực sau này chống lại đế quốc La Mã chỉ là những âm mưu của tham vọng xấu xa. Cho nên, hình phạt họ phải chịu vì sự thất bại không có gì đáng để hối tiếc: Họ đánh đuổi tên bạo chúa để mình trở thành bạo chúa thay thế. Tôi sẽ không cầu chúc cho họ thành công. Với tôi,sự thất bại của họ thật đáng, cũng là minh chứng cụ thể: Không được lạm dụng hai chữ cao quý “tự do” để thực hiện những mục đích bất chính.


Quay lại đề tài mà tôi sắp lạc đề… Nguyên nhân thứ nhất, tại sao con người tự nguyện làm nô lệ, đó là họ sinh ra và lớn lên luôn là nô lệ; nguyên nhân thứ hai, khi con người sống trong cảnh nô lệ sẽ dễ dàng trở thành những kẻ hèn nhát và yếu hèn. Sự ra đi của tự do cũng là mất đi của lòng dũng cảm. Người nô lệ ra trận không có dũng khí như những kẻ không hồn và ta có cảm giác như là họ đang vui đùa.Trong tim họ không cháy lên ngọn lửa tự do, mà chính điều này sẽ làm cho họ coi thưòng nguy hiểm. Cái chết anh hùng giữa đồng đội, chiến đấu cho tự do là niềm tự hào và là cái giá đáng để trả cho tự do. Sự tự do là niềm cổ vũ giữa họ với nhau. Mỗi người chiến đấu cho quyền lợi chung và cho chính họ. Tất cả đều biết rằng chính họ là người quyết định cho sự thất bại hoặc thành công trong trận chiến.Trong khi, những kẻ nô lệ chỉ có sự hung hãn, ngoài ra họ mất tất cả những phương diện khác của cuộc sống, nên với tính nhu nhược cùng một trái tim không nhiệt huyết thì không thể làm được việc lớn. Bọn bạo chúa biết rõ điếu này nên chúng nó làm mọi cách trong khả năng của chúng nó để ru ngủ người dân, nhất là khi người dân bắt đầu nhận thức ra được.


Nhà hát, khu vui chơi, hội hè và muôn vàn hình thức giải trí công cộng khác như: đấu người, đấu các loại thú đặc biệt; huy chương, tranh ảnh và nhiều điều khác nữa. Đó là những miếng mồi cho người dân để họ quên đi số phận nô lệ của mình. Cái giá cho những thú tiêu khiển này là sự tự do của chính họ. Đây chính là công cụ, bọn bạo chúadùng để giữ người dân dưới ách cai trị của chúng. Bằng phương cách này, chúng nó đã làm cho người dân quen dần trong chính sự ngu dốt. Người dân ngập chìm trong những trò tiêu khiển giết thời gian, với những đồ chơi không giá trị. Chúng nó đưa những thứ này trước mắt người dân để họ quên đi đời sống nô dịch. Bọn bạo chúa Hy Lạp cổ còn đi xa hơn nữa, chúng nó tổ chức những buổi tiệc công cộng để rồi sự lừa đảo càng bám rễ sâu hơn vì chúng biết rằng qua những bữa tiệc như vậy, người ta được khơi dậy cảm giác tự do trong một nhà nước cộng hoà giả tạo. Bọn bạo chúa rài thóc gạo, rượu và tiền để rồi người dân gào to “Hoàng thượng vạn tuế!” (Hay với người Việt Nam thì “Bác Hồ muôn năm, hoặc Cụ Diệm muôn năm). Người dân đần độn không biết rằng những gì chúng nó đang ban phát cho họ chính là một phần tài sản của chính họ. Chúng không thể ban phát cho họ được nếu như trước đây không phải chính chúng nó là những kẻ đã cướp đi của họ những thứ này. Để rồi một trong số những người đang khom lưng lưọm những đồng tiền bố thí của chúng nó trên đường hay ăn trương bụng trong những bữa ăn công cộng hôm nay, ngày hôm sau sẽ bị ép buộc phải dâng hiến gia tài, sản nghiệp cho lòng tham của chúng nó; con cái của họ phải phục vụ thú tính của chúng nó; máu của họ phải đổ ra để tạo thêm sức mạnh cho những tên bạo chúa. Lúc đó, họ câm như hến, không dám thốt ra lời nào, bất động như một bức tượng. Và đó luôn là thái độ của đại đa số người dân. Trong những buổi tiệc mà họ không được coi trọng thì họ rất thoải mái và hết lòng đóng góp; nhưng trước sự bất công và hành hạ, những điều mà vì lòng tự trọng họ không được quyền bỏ qua, thì họ lại không hề cảm nhận được.


Wurzeln der Herrschaft
(Gốc rễ của quyền lực)


Giờ tôi nói về một sự lừa dối khác, điều mà người xưa đã tưởng rằng là sự thật. Họ tin rằng ngón chân cái của Pyrhus, ông vua tại Epirus, có thể làm ra phép lạ và chữa lành bệnh gan. Họ còn thêu dệt thêm là ngón chân cái này được tìm thấy nguyên vẹn trong tro tàn, sau khi thân xác của ông ta bị hoàn toàn thiêu hủy. Những chuyện bịa đặt này bao giờ đầu tiên cũng do người dân tạo ra và rồi sau đó chính họ cũng là người tin vào điều ấy. Khi Vespasjen trở vê nhà từ Assyrien, trên đường tới Rom, khi qua Alexandrien, ngón chân này đã làm phép lạ. Làm cho người què đi được và người mù nhìn thấy và còn rất nhiều điều tốt lành khác nữa, những điều mà ngay chính những kẻ tạo ra sự lừa đào cũng không tin, chỉ những kẻ bệnh hoạn mới tin vào điều này. Chính những kẻ thống trị cũng cảm thấy lạ kỳ, con người chịu để cho MỘT NGƯƠI thống trị họ, làm những điều man rợ đối với họ. Con người muốn dùng tôn giáo thành sự bảo vệ và họ sẵn sàng bẻ cong kinh sách để biện minh hành vi bạc ác và tìm chỗ dựa cho đời sống khốn cùng của mình.



Xã hội chúng ta cũng có những hiện tượng tương tự. Hoa Bích Hợp,(Người Âu châu đặc biệt là Pháp, tin là cái hoa huệ trắng (lily) là biểu trưng của quyền uy do thượng đến ban cho, nên các vương kỳ đều có hoa bích hợp này) cái “đèn thần,” và lá cờ vàng lửa linh thiêng (Vua Pháp dùng cờ này ra trận với niềm tin là Lửa thiêng của Thiên chúathánh thần ban xuống, sau này lại cho là máu thánh tử đạo (thánh Denis) và biết bao chuyện tương tự. Dù gì đi nữa, tôi cũng không phải là người muốn cổ súy sự vô thần. Vì chúng ta và cha ông của chúng ta không có cơ hội để không tin vào những thứ đó. Chúng ta luôn có một ông vua để tin; lúc hòa bình là một ông vua nhân hậu, trong chiến tranh là một ông vua dũng cảm. Đến nỗi tôi có cảm tưởng ông ta sinh ra đã là vua, có cảm giác ông ta được sinh ra không bình thường như những người khác mà được ông Chúa Trời chỉ định sẵntrước, ra đời để làm lãnh đạo và bảo vệ chúng ta cho dù không đúng như vậy. Lúc này, tôi không muốn tranh cãi về sự thật lịch sử…Thật tôi sẽ phải vượt quá giới hạn nếu tôi cố đưa ra những điều không đẹp tron gchính sử của chúng ta và như thế là lấn chiếm phạm trù dành riêng cho các nhà thơ…Nhưng, để quay lại đề tài mà tôi không biết là mình đã đi lạc từ lúc nào... Không phải từ muôn thủa đã như vậy sao, những tên bạo chúa muốn bảo vệ quyền lực, chúng luôn cố gắng không chỉ làm sao cho người dân vâng lời làm nô lệ mà còn luôn muốn thần thánh hoá chính bản thân chúng trước con mắt của người dân. (thí dụ như ở VN, Hồ chí Minh có 4 đồng tử!!)


Bây giờ tôi muốn nói tới một vấn đề khác, đây là một bí mật của những kẻ thống trị và là lời giải thích của sự thống trị cũng là chỗ dựa và nền tảng cho bọn bạo chúa. Những ai tin bạo chúa được bảo vệ bởi những ngọn giáo của những người lính canh gác hay những tháp canh, theo nhận định của tôi, họ sai lầm. Những thứ này chỉ làhình thức như những hình nộm đuổi chim. Bọn bạo chúa không đặt niềm tin vào những chúng vì chúng chỉ có thể bảo vệ tên bạo chúa trước những kẻ thù tầm thường, không thể bảơ vệ chủ nhân trước những kẻ thù có trang bị vũ trang và chuẩn bị đầy đủ.Trong lịch sử các triều đại La Mã, không có nhiều trường hợp vua chúa bị lật đổ nhờ sự giúp đỡ của những người lính canh bằng bị chính những tên linh canh giết chết. Không phải đội ky binh, không phải bộ binh, không phải vũ khi bảo vệ tên bạo chúa. Người ta có thể không tin nhưng đây là sư thật. Chỉ có bốn hoặc năm người bảo vệ tên bạo chúa, cũng chính bốn, năm người này đày đọa nhân dân quần chúng. Từ trước đến nayluôn là như vậy, từ bốn, năm tên làm tay chân cho bạo chúa. Những tên này là họ hàng thân quen hoặc được bạo chúa chọn lựa để chúng trở thành tòng phạm với tội ác của hắn, tòng phạm với những vụ cướp bóc. Chúng là những tên đầu gấu cho sự thèm khát của bạo chúa và được chia phần với những gì bạo chúa cướp được. Sau đó, bốn, năm tên này sẽ chọn thật khôn khéo những kẻ làm tay chân cho chúng để người dân không nhận ra nguyên nhân thật sự là do bọn chúng mà tưởng là do những tên tay chân này làm ra. Rồi dưới những tên tay chân này lại có thêm bốn, năm trăm kẻ ăn bám theo; bốn, năm trăm tên ăn bám đối xử với tên ăn bám bên trên y như cách hành xử của bốn, năm tên trên nữa đối với tên bạo chúa. Và năm trăm tên này lại có năm ngàn tay chân bên dưới. Năm ngàn tên bên dưới lại được chia theo thứ tự:Một là thuộc ban quản trị thành phố hay là thuộc quản lý ngân khố,… Chúng nhằm phục vụ cho lòng tham và sự dã man của những kẻ bề trên và tới thời điểm thuận tiện, chúng sẽ bị sử dụng để làm những việc xấu xa. Bọn chúng được che chở bởi những kẻ cao hơn và nhờ sự che chở này, chúng có thể vượt qua được luật pháp và hình phạt. Những kẻ tay chân trong đường dây hệ thống như thế này rất nhiều. Nếu ai có hứng thú muốn đi sâu hơn nữa sẽ thấy mánh khóe của chúng, không chỉ áp dụng cho năm ngàn người mà là hàng trăm ngàn và hàng triệu người sẵn sàng phục vụ cho tên bạo chúa. Bọn người này hằng hà sa số như sao mọc trong tác phẩm của Homer, được ví như là sợi xich và khi người ta kéo sợi xích này đi thì dường như có thể kéo được cả thần thánh.


Nói ngắn gọn, qua lợi nhuận về kinh tế, qua việc làm lời và việc chia chiến lợi phẩm bởi tên bạo chúa; trong đó, số người được tên bạo chúa sử dụng nhiều như là số người coi tự do như là một sự giải trí. Cũng giống như khi một ông vua biến thành tên bạo chúa thì tụ tập quanh hắn toàn rác rưởi và cặn bã trong toàn vương quốc. Tôi nói ở đây không phải chỉ nói những tên lừa đảo nhỏ, trộm vặt, những kẻ không làm được những việc lớn lao hay làm nên những đại hoạ cho cộng đồng mà là những kẻ đầy tham vọng và có một lòng tham vô đáy. Chúng phục vụ tên bạo chúa để được một phần chiến lợi phẩm và rồi dưới tên bạo chúa, sẽ có những tên bạo chúa nhỏ hơn. Cũng như cách làm việc của các băng cướp lớn, những nhóm cướp biển. Chúng phân công nhiệm vụ, kẻ thì khảo sát địa hình, kẻ thì đánh cướp người du lịch, kẻ thì phục kích, kẻ thì dẫn đường, kẻ thì giết người, kẻ thì lấy đồ,… Tổ chức của chúng có thứ bậc, nhóm phục vụ, nhóm lãnh đạo,… để cuối cùng tất cả chúng được chia phần trong chiến lợi phẩm hay ít nhất là được tham dự vào việc hôi của.


Đó là cách tên bạo chúa cai trị bầy nô lệ, là để chúng cai trị lẫn nhau. Họ chia dể trị, dùng dân trị dân, dùng nô lệ trị nô lệ. Những lính canh, người bảo vệ, thợ săn của bạo chúa. Thỉnh thoảng, chúng cũng bị đàn áp bởi tên bạo chúa. Nhưng mà những kẻ khốn nạn này, bị ông Trời và con người ruồng bỏ này không biết trả lại cho người bị chúng nó đàn áp. Không chỉ như thế, chúng còn đi xa hơn nữa, chúng đàn áp người dân bên dưới như chúng bị đàn áp. Bọn chúng là những kẻ hết cách cứu chữa.


Thỉnh thoảng, khi tôi quan sát những kẻ tự chầu chực trước cửa những tên bạo chúa để mong được là những kẻ tôi tớcho bạo chúa và trở thành tay sai đàn áp dân chúng, tôi thật ngỡ ngàng trước sự bạo tàn và thấy thương hại cho sự ngu dại của chúng. Vì trong thực tế, việc làm tay sai thật sự mang lại lợi ich gì? Ngoài sự thật, chúng càng rời xa tự do của chính chúng và trở thành công cụ cho sự nô lệ để tự giết chính mình. Nếu trong khoảnh khắc, chúng bỏ đi sự nỗ lực, lòng tham lam, bình tâm và nhìn chung quanh, chúng sẽ nhận ra: Những người nông dân, những người bịđánh đập, bịđối xử tàn nhẫn hơn cả với tội phạm hay những người nô lệ. Mặc dù vậy, dù hoàn cảnh những người nông dân có tệ hại đến thế nào nhưng so với những kẻ tình nguyện làm tay chân cho bạo chúa thì những người này vẫn hạnh phúc hơn và một chút gì đó vẫn có được cái gọi là tự do. Người nông dân, người thợ thủ công có bị đày đoạ đi nữa, họ cũng chỉ phải làm những gì mà người ta bắt họ làm. Trước mặt tên bạo chúa,những kẻ tay sai phải luôn tình nguyện phục vụ cho hắn và sẵn sàng làm mọi việc hắn muốn. Những kẻ này không chỉ phải làm những gì tên bạo chúa muốn mà chúng nó thường luôn phải làm cho tên bạo chúa vui. Hơn thế nữa,phải làm thỏa mãn ngay cả những ý nghĩ của tên bạo chúa. Không đơn giản chỉ là vâng lời mà phải chìu lòng tên bạo chúa. Chúng nó tàn phá, đàn áp và hủy hoại người dân vô tội để đưọc phục vụ tên bạo chúa. Chúng nó phải vui với cái vui của tên bạo chúa, phải bỏ đi những sở thích riêng của mình thay vào đó là sở thích của tên bạo chúa. Phải từ bỏ tất cả những gì là bản tính tự nhiên của chúng nó; phải chú ý ánh mắt, cử chỉ, giọng nói, lời nói của tên bạo chúa; ánh mắt, chân tay và tất cả mọi thứ ở chúng nó phải luôn sẵn sàng để đoán biết được cảm giác và ý nghĩ của tên bạo chúa. Như vậy là một cuộc sống hạnh phúc sao? Như vậy, có còn là cuộc sống nữa không? Có cái gì trên trần gian này khó chịu hơn thế không? Tôi khẳng định là không! Con người là một động vật cấp cao dù với trình độ hiểu biết bình thường hoặc thấp hơn nữa, hay chỉ là một động vật mang bộ mặt người thì cũng không có gì đáng nhục nhã hơn. Còn tình trạng nào bi đát hơn thế nữa không khi không còn được làm chủ chính mình. Sự tự do, thân thể và cả cuộc sống đã trao vào tay của kẻ khác.


Nhưng, những kẻ làm tay sai hy vọng được giàu có. Làm sao chúng nó có thể làm được điều này, làm sao chúng nó có thể làm chủ bất cứ cái gì khi mà chúng nó không thể nói được là chúng nó làm được chính chúng nó. Cũng giống như nếu một kẻ nào đó phục vụ cho tên bạo chúa có thề có một cái gì đó, biến cái này thành sự giàu có của riêng mình. Nhưng chúng nó không biết rằng những kẻ trao cho chúng nó kể cả trao cho bạo quyền, thì cũng có thể lấy đi tất cả mọi cái của chúng nó.

Giữa những kẻ đàn áp không bao giờ có tình thương yêu quí mến. Tình bạn là điều cao quý và thiêng liêng, tình bạn chỉ được xây dựng trên nền tảng của việc tốt, được thắt chặt bằng sự tôn trọng lẫn nhau.Tình bạn không dựa trên việc làm từ thiện hay bất cứ một hành động tốt nào mà chỉ dựa vào lẽ phài của cuộc sống. Một người làm bạn của người khác chắc chắn là vì anh ta biết sự trong sáng của chính mình; để bảo đảm cho cho tình bạn của anh ta chính là bản chất tốt của anh ta, là tính trách nhiệm và lòng trung thành. Nơi nào tập trung sự ác, sự giả dối thì ở đó không thể có tình bạn mà chỉ là kẻ tôi tớ của kẻ tôi tớ. Chúng nó tụ họp lại không trong sự tin tưởng mà là sự sợ hãi, chúng nó không còn là bạn bè mà là những kẻ tòng phạm.

Chúng ta thấy, để được bổng lộc, cái giá những kẻ phục vụ cho bạo chúa phải trả là cuộc sống đê hèn của chính chúng nó. Người dân oán trách chúng nó nhiều hơn là oán trách chính tên bạo chúa. Bất kỳ là dân tộc, quốc gia nào, từ người nông dân cho tới người làm việc hưởng tiền lương đều biết rõ nỗi thống khổ của chúng nó. Tất cả họ đều biết tên những kẻ này và lời nguyền rủa chúng nó chất thành núi; mọi lời cầu nguyện và ước mơ của người dân đều chống lại chúng nó. Mọi sự rủi ro, mọi dịch bệnh, mọi sự đói rách đều đè lên đầuchúng nó mặc dù đôi khi người dân tỏ ra bề ngoài tôn kính chúng nó nhưng trong thâm tâm, họ luôn nguyền rủa và coi khinh chúng nó hơn súc vật. Các bạn hãy nhìn vào nhũng thành quả, hư danh mà chúng nó đạt được qua việc làm tôi mọi,nếu người dân có thể phanh thây xé thịt chúng nó ra, theo tôi nghĩ, cũng không thỏa mãn một nửa lòng căm thù của họ. Cái chết của chúng nó không mang lại bình yên cho chúng nóvì những tội ác ghê tởm chúng nó làm sẽ in đậm trong trong sử sáchđể ngàn đời sau, chúng nó vẫn bị nguyền rủa và để sau cái chết,chúng nó vẫn phải bị trừng phạt cho những việc làm xấu xa của chúng nó.


Vì vậy, chúng ta hãy học làm những việc tốt đẹp ý nghĩa. Chúng ta hãy cùng nhau hướng mắt lên trời để ngợi ca sự vĩnh hằng của đức tính dũng cảm; ngước mắt về Đấng Tạo Hóa Toàn Năng luôn biết mọi việc làm của chúng ta và là một quan tòa trung thực phán xét những việc làm sai trái của chúng ta. Thượng đế bao dung và yêu thương, nhưng tôi tin Thượng đế luôn có những hình phạt thích đáng riêng cho những tên bạo chúa và những kẻ tay sai của chúng nó.


Vũ Nguyễn Thiên Chương phỏng dịch

======================

."VẪN TỰ NGUYỆN NÔ LỆ"

Submitted by duyvietadmin on Mon, 10/11/2010 - 07:48.



ETIENNE DE LA BOETIE: Người Xưa và Nay, Giữa Người và Ta.."VẪN TỰ NGUYỆN NÔ LỆ" Hãnh diện làm Nộ Lệ, Tự Đắc sống Nô Lệ..


Thân gửi đến dịch giả Thiên Chương,

Tôi có vào đọc và có điều chỉnh CÁCH TRÌNH BÀY của bài viết cho được rõ ràng dẽ heo dõi.

Lại nhớ cái thủ đoạn tự thần thánh hóa của đám bạo chúa..Ở Việt Nam mình bọn Ngụy Diệm thìm đẻ ra những chuyện "Cụ thương dân đi kinh lý v.v và bọn Phỉ Hồ Chí Minh thì Bác chăm lo thức khuya dậy sớm, có 4 đồng tử v.v


Còn bọn bịp nhà nước và tôn giáo ở Âu Tây và Pháp xưa, bày ra đủ trò THÁNH CHÚA vẽ vời thêm cho ngôi vị VƯƠNG QUYỀN, và VỊ TRÍ NHÀ NƯỚC..như cái ĐÈN THẦN có chứa dầu Thánh để sức phong vương do Thiên Thần từ Trời đem xuống cho vua Clovis năm 496. Rồi Hoa Bích Hợp, ong cóc nhái.. và cái cờ Vàng Lửa máu thánh Denis v.v. Thế mà ông Boetie hơn 400 năm trước đã nhìn ra và đả phá ên án.. Chác ông ta cũng bị gia đình xã hội lên án là PHẢN ĐỘNG CHỐNG PHÁ TỔ TIÊN DÂN TỘC, BÁNG BỔ THIÊN CHÚA v.v



(* heraldic emblems of royalty. The sacred vessel contained the holy oil for the coronation of the kings of France, said to have been brought by an angel from heaven for the crowning of Clovis in 496. The fleur-de-lis is the well-known heraldic flower dating from the 12th century. In its earlier forms it has other elements besides petals, such as arrow tips, spikes, and even bees and toads.


The oriflamme or standard of gold was also adopted by French royalty. Originally it belonged to the Abbey of St. Denis and had a red background, dotted with stars surrounding a flaming sun. Some scholars have noted in the three branches of the fleur-de-lis a heraldic transformation of toads which formed presumably the totem of the ancient Francs.)


Quả thật cách đây hơn 400 năm, mà xã hội ngừoi ta đã có những KẺ SỐNG TRÊN CÕI TRỜI như vậy! Đó là chưa nói đến xã hội họ còn có nhiều thanh niên cũng SỐNG THIẾU THỰC TẾ , CÕI TRÊN không lo làm ăn lo cho vợ con mà đi bảo nhau CẶM CỤI CHÉP TAY (XUI cho mấy ngừoi này, thời đó chưa có Điện Toán và máy in rẻ mạt như bây giờ) bản văn của BOETIE để chuyền nhau đọc và quảng bá ra công chúng..khiến nó TỒN TẠI ĐẾN HÔM NAY để chúng ta đọc.


Nghiệm ra từ những bằng chứng cụ thể trước mặt, những quốc gia xã hội nào mà CÓ NHIỀU THẰNG SỐNG CÕI TRÊN làm CHUYỆN TÁO TỢN GIỞ HƠI NGƯỢC ĐỜI, ĂN CƠM NHÀ VÁC TÙ VÀ HÀNG TỔNG.. là những XÃ HỘI TIẾN BỘ PHÁT TRIỂN VĂN MINH bậc nhất hôm nay, nơi quần chúng đang thụ hưởng THÀNH QUẢ của những KẺ SỐNG CÕI TRÊN từ muôn năm trước.. Và THÀNH QUẢ này luôn luôn được GÌN GIỮ và TÀI BỒI cũng từ những KẺ SỐNG TRÊN CÕI TRÊN, VÁC TÙ VÀ để THƯỜNG TRỰC ĐỐI KHÁNG VỚI bọn NHÀ NƯỚC và lũ GIAN MANH TRONG XÃ HỘI..


Còn những quốc gia xã hội nào mà đầy những kẻ "khôn cũng chết, dại cũng chết" chỉ BIẾT THỨC THỜI .. thì luôn đi sau lạc hậu kém cõi bán khai và nô lệ thấp kém.. và đời sống thường mất hẳn NHÂN T1NH..

Riêng ngừoi Việt Nam chúng ta, cứ nhìn lại là thở dài..Trong gia đình, vợ chồng anh em con cái.. hễ có ai chỉ vừa làm một việc CÔNG NHO NHỎ là cả nhà đã SO ĐO TÍNH TOÁN HƠN THIỆT.. lo sợ người nhà mình thiệt thòi, người khác được lợi....để rồi mỉa mai là đi làm chuyện vô bổ, không thực tế, không đẻ ra đồng tiền nào.. Và ngay bản thân cá nhân chúng ta, khi vừa khởi làm một việc ý nghĩa công ích, CHÍNH CHÚNG TA CŨNG DỪNG LẠI ĐỂ SO ĐO TÍNH TOÁN HƠN THIỆT... rồi quyết định KHÔNG LÀM NỮA với những lý cớ, dĩ nhiên, rất "hũu lý!!!"


Thế nhưng, thật sự trong đời sống hàng ngày, chính bản thân những kẻ dè bỉu chê bai NGỪOI KHÁC LÀ LÀM NHỮNG CHUYỆN VÔ BỔ, CÕI TRÊN, lại chính là những kẻ phí phạm thời gian năng lực vào những chuyện tầm phào vớ vẩn hàng giờ , cả buổi...(Quí vị cứ nhìn gia đình mình xem đang làm gì? Tụ tập ngồi lê đôi mách bàn chuyện tài tử lây chồng ngoại tình , rồi Phim bộ, kịch hài v.v Rồi vào PALTALK mà ngắm nghe thử xem: đú đởn, cãi nhau không mục đích chí hướng v.v dù không biết mặt mũi tên tuổi .. Thế mà hàng giờ cả buổi ngày này qua ngày khác..năm này qua năm khác.. hê hê hê ) và hệ quả là người Việt Nam chúng ta, dù ở nơi nào, xã hội nào, cũng đầy dẫy những kẻ "thực tế dưới đất, luôn ích kỷ tào lao" và vắng bóng những người "cõi trên" tác động , vận động công chính xã hội... Vì chúng ta chỉ KHUYẾN KHÍCH NHAU ÍCH KỶ THẤP KÉM và làm đủ cách để cản trở, làm nản lòng những ngừoi thân trong gai đình có ý muốn sống đúng và làm đúng..(hê hê hê .. lại nhớ câu nói của anh Minh Triết.. "đúng nhưng không thực tế.. đúng ở CÕI TRÊN thôi... Và nhớ đến NINH VÕ TỬ của KHỔNG TỬ)

Nói tóm lại là CÔNG CUỘC THÁO GỠ TÍNH NÔ LỆ TỰ NGUYỆN của SÚC VẬT trong chúng ta nó luôn được tiến hành bởi những CON NGỪOI SỐNG CÕI TRÊN, vác TÙ VÀ, như Etinne de la Boetie, Rouseau, Voltaire, Montesquieu, Phan Chu Trinh, v.v hôm nay thì Nelson Mandela, Aung San Sku Sky,Sakharov, Havel, Lech Waleksa, Howarrd Zinn, Michael Moore, Paul Craig Roberts, David Ray Griffin v.v một cách LIÊN TỤC, MIÊN TỤC và MIÊN VIỄN..


NKPTC.

Thở dài, Viết thế này, Tôi cũng vừa làm một việc vô bổ cõi trên!!


















No comments:

Post a Comment