Friday, December 5, 2014

"Cái Tính Nông Dân của Trần Ðăng Khoa".

"Cái Tính Nông Dân của Trần Ðăng Khoa".

Những ngày còn ở Sài Gòn lang thang quán cóc.. Tôi vẫn thích nghe Khánh Ly hát câu "Ðịa Ðàng còn in dấu chân bước quen", của Trịnh Công Sơn thì phải.. Tôi không nhớ rõ lắm! Mà có hề chi! Mình có làm từ điển, sách tham khảo đâu mà cần chuẩn xác.

Nhất là vào những buổi trưa.. Buổi trưa thì ở Việt Nam vắng lắm.. ai cũng ngủ cả.. Chỉ còn lại một vài anh nhãi trẻ dở hơi, dư giờ nhàn hạ như chúng Tôi mới thức mà nhâm nhi ly cà phê đen, trong một góc vắng của quán bên đường nào đó... Ðịa Ðàng vùng mơ ước, quả thật khi đến nơi, bỗng thấy quen quen ...dấu chân mình...Của chính mình chứ ai!!!

Nhưng ông nhạc sĩ ấy nói về Ðịa Ðàng cơ đấy..Cái cảm giác thấy lại Ðịa Ðàng nó lạ lùng thế... Mình đã từng ỏ Ðịa Ðàng mà không biết...tiếc thật.!!!. Còn Tôi đã từng ở trong cái thế- gìới- hiện- sinh -như -là- một -thể -chế mà không biết tên.. Cho đến khi nghe ông Nguyễn Văn Trung nhắc tên thì bỗng nao nao... Nao nao không giống như những buổi trưa ngồi hút thuốc vặt nghe Khánh Ly... Mà nao nao núng núng... Nao núng vì không hiểu làm cách nào vỗ vai để nói với mọi người rằng cái hiện sinh ấy là giả tưởng, là thuốc độc!

Khó lắm chứ phải chơi đâu!!! Hôm qua, đọc câu chuyện ngắn của Trần Ðăng Khoa " Nông Dân" mới hãi hùng..Mới thấy rõ là không thể, hay khó có thể...vỗ vai mọi người...

Lần này không phải bên ly cà phê giữa trưa hè Sài Gòn, mà là giữa đời mênh mông viễn xứ, tay cầm điếu thuốc Thăng Long hiếm hoi còn sót lại sau lần về Hà Nội.. Ðọc đến đâu là hãi đến đấy.. Không phải vì có ma có quỷ ! Cũng không phải vì những cảnh ghê gớm kinh dị trong ấy.. mà là nó giống quá! Giống y chang những gì mình đã kinh qua, gặp gỡ, giao tiếp thường ngày trong những ngày tháng về sống nơi đất Bắc...

Nhưng còn thiếu.. thiếu đến kinh người..!!! Kinh người ở đây không phải những cái "gườm gườm" của ông chú Nông Dân, nhìn thằng cháu đảng viên cán bộ khi thấy nó dám "chê bai dưa của Việt Nam".

Cũng không kinh hãi vì cái cả tin, cái nghi ngờ của một bà mẹ Nông Dân: lo sợ, khóc lóc khi "nhận ra" đứa con đảng viên, cán bộ của mình đã mất lập trường...Cái lập trường Ta, Chủ Nghĩa Ta. Phe Ta... nhất định hay, giỏi, đúng, toàn thiện.. Không ai có thể hơn được.. dẫu có thế nào!!!

Kinh người ở chỗ cái tính Nông Dân ấy nó không chỉ là sở hữu của người Nông Dân đất Bắc, gìói hạn ở phần đất cách mạng nòi với 70 năm kinh nghiệm cơm áo, ơn nghĩa Ðảng và Bác chỉ cân đếm qua cái cối đá thủng...hai sào đất chết tiệt.

"Người nông dân ta dường như không có thói quen so sánh mình với người dân ở các nước tiên tiến, cũng không so với dân đô thị. Họ chỉ so mình với chính mình thôi. Và thế là thấy sướng quá. " (TÐK Nông Dân).. Có thật thế không???

Lẽ ra TDK còn phải nói thêm rằng : Còn có một cái sợ bao phủ những nỗi đắn đo ấy! Có nhiều khi ngưòi ta biết chứ, biế so sánh chứ ! Nhưng mà nếu mở lời so sánh than thở sẽ thành đại họa cho cả bản thân lẫn gia đình... Vì thế mà bà mẹ của "anh cán bộ" đã không lý sự gì về cái hay cái giỏi, cái tốt, cái xấu cả ... Bà không những chỉ than phiền trách móc con mà còn khóc lóc nữa cơ đấy..Tất cả nó là của một cái hãi sợ âm thầm khủng khiếp bao trùm ký ức của Bà, bao trùm xã hội bà đang sống...Nỗi sợ hãi mà Hồ Chí Minh và Ðảng CSVN đã đặt để trong não trạng tiềm thức của mỗi con người Việt Nam ngay từ khi nằm trong bụng mẹ, qua cái lối hiện-sinh-như-là-một- thể-chế áp đặt khéo léo. ..

Vì mất quan điểm lập trường như thế mà để lòi ra cho làng xã, huyện, tỉnh v.v người ta biết là mất hết tất cả...là khốn nạn cả mọi người liên đới...Ngày hôm nay thế là tốt rồi! Ngày mai ư? Xa xăm lắm, nguy hiểm lắm, mông lung lắm!

Có lẽ cái tính Nông Dân thuần túy, tinh tuý hơn nó phải ở chỗ này cơ. Trần Ðang Khoa cố tình quên vì có lẽ nó là của chính tác giả chăng? Bởi vì nếu nói đến cái sợ của người "nông dân" thì phải nói đến nguyên nhân gây ra cái sợ ấy. Mà nguyên nhân của cái sợ ấy là gì? Là ai? Là Ðảng CSVN, là cái chế độ man rợ vô nhân hiện tại chứ còn gì!

Chính Tác Giả cũng sợ chính cái Ðảng, cái cơ chế này, nên phải bấm bụng mà dìm nỗi sợ hãi của "Nông Dân", và của chính tác giả đi .. Không thì sẽ không còn được viết, được xuất bản, và mất hết, sẽ mất hết sạch sành sanh! Thôi hiện tại được nói một nửa như vầy là sướng quá rồi.. So sánh với người ta, với văn nhân, văn sĩ người ta trên thế giới,  thì hậu quả khó lường.... Cái "Nông Dân" nó là cái này đây mới đúng! Nhưng không phải chỉ có Nông Dân ở nơi xa xăm cách biệt là như thế đâu!

Cái tư duy, não trạng "Nông Dân" này nó còn đậm đặc ở cả thành phố, nơi những con người có cơ may giao tiếp thông tin thế gìới, dẫu vẫn còn giới hạn, hay đã có dịp đi ra ngoài nhìn ngắm, có cơ hội so sánh mình và thiên hạ .... Mà kinh hãi hơn khi nó còn tồn tại ngay ở những người đã thành di dân, đã mang quốc tịch Anh, Mỹ, Ðức, Pháp, Úc v.v Và, còn có khoa bảng nữa cơ chứ! Thế thì kinh hãi biết chừng nào...

Tôi lạnh người không chỉ vì khi thấy rõ Trần Ðăng Khoa cũng đang "gườm gườm" nhìn Bùi Ngọc Tấn qua tác phẩm CK2000! như thế! Và, chung quanh Tôi, vẫn có những cái "gườm gườm" như thế! Nó bàng bạc ẩn hiện như những bóng ma!

Trần Ðăng Khoa nhận định như đinh đóng cột rằng đó là:

"Nông dân mình là thế. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Ðảng chia cho họ một cái nồi đồng. một cái chảo gang, một cái cối đá thủng trong cải cách ruộng đất, cũng đủ để họ nhớ suốt đời, biên ơn suốt đời. Rồi họ mang xương máu của chồng, của con của chính họ ra để trả nghĩa. Hàng triệu người chết trong mấy cuộc chiến tranh. Hàng vạn người cho đến tận hôm nay vẫn không tìm thấy được hài cốt. Họ chiến đấu hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, dĩ nhiên là như vậy rồi, nhưng không hẳn chỉ có như vậy. Sự đền ơn trả nghĩa ấy mới thiêng liêng và dữ dội biết bao. Bởi thế, chẳng có sự phản trắc nào có thể tồn tại được ở đất nước trong vắt một bầu khí quyển nông dân.."
Quả thật, đối với những não trạng "Nông Dân" như thế, một lần được lãnh tụ xoa đầu, cầm tay, dẫu không nói một câu, một ngày nhận tiền của nước định cư, một mảnh bằng, một cái việc (job) v.v Thì sự đền ơn trả nghĩa ấy sẽ thiêng liêng... Một lần là trăm năm!!! Không nơi nào hơn đất nước Tôi ... đang ở...dẫu có thế nào...!!!! Bởi thế chẳng có sự "phản trắc" nào, "thay đổi lập trường" nào có thể tồn tại được ở cõi nhân gian này, cõi ta bà của những con người hôm nay, trong vắt, tinh khiết tính khí "Nông Dân" ngàn năm! Một lần mang ơn "cách mạng", một lần là đồng minh thân cận, một lần đứng nghiêm cháo cờ giẻ rách; một lần được gắn huy chương, lon lá v.v Và, sẵn sàng hy sinh  không chỉ cả bản thân mà xúi bẩy thế hệ con em, lao đầu cắm cổ chém giết căm thù để mà ...đền ơn trả nghĩa!

Tôi bỗng nhớ lại câu chuyện có thật tôi đọc ở một tờ báo Úc, do một ký giả viết về thế hệ cha mẹ của mình, để giải thích hiện tượng Pauline Hanson (Ðảng kỳ thị chống di dân Á Châu ở Úc), Tác giả kể bố của mình là nông dân ở Queensland, một lần được thủ hiến Joe Peterson thuộc đảng Nông Gia Úc, bắt tay, Ông giữ bàn tay ấy không rửa cả tháng trời...! (ai cố tìm lại trong tờ The Age- và The Sydney Morning Herald sẽ thấy)

Cái khốn nạn cho đất nước Tôi, cho dân Tôi, là dẫu có bao biến đổi, tay có cầm bút, có gõ điện toán , có lái xe, có ở nhà cao...có đổi đất nước, có đổi tên, đổi quốc tịch thì Nông Dân vẫn cứ là Nông Dân.. trong máu, với đầy đủ đức tính hàm ơn chứa oán, tinh thần giữ vững lập trường vì...sợ! Sợ đủ thứ, nhất là sợ mất cái quá khứ tưởng tượng chộn lẫn với những thứ mình đang có!

Tôi ngửa lưng khi đọc hết giòng cuối...điếu Thăng Long đã tắt ngủm... đâu đây văng vẳng tiếng lòng.. "Ruộng đồng còn in dấu chân bước quen"... Và Tôi hiểu tại sao hầu như chế độ độc tài, man rợ phi nhân nào, nhất là trên quê hương tôi, cũng ca ngợi xiển dương "nông dân," và cố gắng gìn giữ mọi người là "nông dân" mãi mãi.... Trần Ðăng Khoa, một cách nào đó, cũng là một Nông Dân như thế.!

Nguyên Khả Phạm Thanh Chương
20-2-2007
Nhân đọc "Nông Dân" của Trần Ðăng Khoa...

No comments:

Post a Comment