Friday, December 12, 2014

Những Cảm Xúc Vớ Vẩn Nhân Đọc Lại Thơ Văn Cao Bá Quát (đăng lại theo yêu cầu)

 Những Cảm Xúc Vớ Vẩn Nhân Ðọc Lại Thơ Văn Cao Bá Quát 

Nhân trao đổi thư giãn thơ văn với bạn phưong xa, mới được đọc lại bài thơ nhớ vợ "Vườn Thẩm" [1] của một danh sĩ đời Tống. Ôi cái chân tình nhi nữ sao mà đẹp lạ lùng. Nhất là thơ đời Ðường thì lại càng bàng bạc tình nhì nữ, nỗi nhớ nhà khôn khuây. Ðã mấy trăm năm mà khó ai quên! Ngưòi xưa sao họ sống thật và thẳng từ nhũng tình tự "tủn mủn" như thế nhỉ? Ðọc thơ người, bỗng nhớ ông Cao bá Quát nhà mình! Nhớ ngay trên bàn phím! Nhưng vì chữ Hán Nho của mình chưa đủ đầy lá mít , nên không giải xuông cho bạn kịp, đành thôi. Bây giờ ngồi nhớ lại cứ thấy thấm hơn, và hay hơn lần đầu đọc nó. Xin ghi lại những cảm nghĩ lẫn lộn nẩy sinh từ bài thơ đầy tình vợ chồng của Ông Cao Chu Thần.  

Tiếp nội thư tính ký hàn y.-Bút điều sổ sự.
  Nhất giam đăng hạ vạn hàng đề,
Thử dạ tàn hồn nhiễu tú khuê,
Trường hận thùy giao luân cảm tự?
Ðộc miên nhân tự vọng kim kê.
Hàn y ổn thiếp phong tân tứ.
Tố quản tiêm minh tẩy cựu đề.
Lai thất, tha thời hảo qui khứ,
Nhập môn tri hữu nhẫm thung thê..  
CBQ..

Chữ nghĩa Tôi cạn quá, diễn thơ không hết ý được bài thơ chữ Hán này. Nên xin trích lời "dịch xuông" của Nguyễn Quí Liêm ra thêm ở đây, trưóc khi "khoe" bài "diễn thơ" của mình:

 (Nhận thư vợ gửi áo lạnh, bút và các thứ khi ở tù.) 
  Một phong thơ, đọc dưói đèn muôn hàng lệ nhỏ,
(Ðể ) Ðêm nay hồn vật vờ, (về bên người vợ) quanh chốn buồng thêu
Mối hận vô cùng, ai xui mình bàn việc dệt "chữ gấm".
Kẻ nằm (ngủ) một mình vẫn trông ngóng tin "gà vàng" (để được ân xá).
Chiếc áo rét xếp phẳng phiu, gói gém bao (tình ) ý mới (của vợ hiền).
Ngọn bút trắng, nhọn, xoá sạch những lời đề (buồn thảm) xưa,
Rồi mai đây khi được (tha), trở về nhà (ở Gò )Lai,
Bước vào cửa, biết rằng có vợ hiền từng (vì mình mà phải ) giã gạo mướn.
(Nguyễn Quí Liêm dịch) *Những chữ trong ngoặc là tôi thêm vào cho rõ nghĩa văn xuôi

Diễn thơ: Nhận thư vợ gửi áo lạnh, bút và các thứ khi ở tù.

Dưới đèn lệ nhỏ, mở phong thơ,
Quanh quẩn buồng thêu, hồn vật vờ,
Dệt gấm ai xui , lòng ân hận.
Ngóng tin ân xá, một mình mơ.
Áo lạnh, ấm trong bao ý mới,
Bút trắng, buồn xưa , đã xoá mờ.
Ngày mai khi được về quê cũ,
Biết có hiền thê, giã mướn, chờ.

*Tích: Chữ Gấm, Tần Dậu Thao giận vợ, tuyệt tình. Vợ, Tô Tuệ, dệt gấm chung quanh có thơ, ý thắm thiết gủi chồng , chồng hiểu ra trọng vọng đón về. Tin Gà Vàng: Kim Kê Tinh hiện, tắc quốc hữu xá" = Sao Kim Kê hiện là điềm có việc ân xá trong nước. *Tích Giã Gạo mướn. Nàng Mạnh quang vợ Lương Hồng, là quan trong sạch.. Ði ở ẩn, nàng Mạnh Quang theo chồng đi giã gạo mướn.. Gò Lai: là nơi nhà của Ông Cao Bá Quát ở..

Ðọc bài thơ nhớ thương vợ của ông Cao Bá Quát, mà nghĩ lung mung đủ thứ. Nghĩ đến cái thời ông sống.. Cái thời Quân Chủ Phong Kiến "đại ác" là thế, mà vợ Ông từ chốn xa xôi vẫn đuợc gửi áo lạnh, bút nghiên và những thứ linh tinh cần thiết cho chồng. Và Ông Cao Bá Quát, một tù nhân, vẫn được thắp đèn đọc thư vợ, và làm thơ nhớ vợ. So với cái thời tiến bộ khoa học XHCN của Hồ Chí Minh và Ðảng CSVN, thì quả nhà Nguyễn tiến bộ hơn gấp ngàn lần.

Ðây là cái cảm xúc đầu tiên Tôi nhận được, theo bối cảnh bài thơ.

Nghĩ thương, nghĩ qúi ông Cao, Nghĩ đến bà Cao, lại càng kính trọng. Quí ông Cao Bá Quát ở chỗ ông trân trọng tình nghĩa phu thê: "Tào Khang Chi Thê, bất khả hạ đường", Ông trân trọng tình chăn nghĩa gối với vợ; trân quí tấm lòng tận tụy yêu chống và hiểu chống của bà Cao: Ðã phải giã gạo mướn còn tằn tiện mua sắm bút nghiên, may vá áo lạnh cho chồng nơi lao ngục! Ôi cái chữ "ái ân, ân ái" của người Việt đẹp biết là bao! Có Ái, thì phải có Ân. Ái và Ân không thể tách rời. Có Ân rồi qua thời gian còn sinh thêm ra cái Nghĩa nữa: Ái Ân Chăn Gối, Ân Nghĩa Vợ Chồng!  Cảm xúc chỉ biết để tràn dâng mà không dám lạm bàn thêm. Vì chính bài thơ đã nói đủ. Mình có thêm ra cũng chỉ rườm ra thừa thãi.

Ngày xưa lúc còn nhỏ học trung học, Tôi cũng như bao nhiêu người ,chỉ biết ông Cao Bá Quát qua những bài thơ nôm, nhất là tuyệt tác "Tài Tử Ða Cùng Phú" của ông, và một số bài thơ nôm khác duới thể Hát Nói (Ca Trù) như "Uống Rượu Tiêu Sầu", "Làm Chi Cho Mệt Một Ðời" v.v Hơặc là những câu đối được truyền tụng về cái cao ngạo ,vô úy của ông! Có lẽ rất ít người biết đến phần "ướt át" chan chứa nhân tình của Ông Cao Chu Thần, nhà "phản kháng", "cách mạng" hay "làm loạn" này. Trừ một số ít học giả, hoặc những sinh viên chuyên ngành ở Văn Khoa trên Ðại Học.

Người ta vẫn dùng ông, khen ông để tuyên truyền cho phe mình, thể chế của mình; hoặc bóp méo, hoặc nói không hết, để chê bai khéo cái tính "ương ngạnh , yếm thế, làm loạn" của Ông; về "con người" thật của Cao Bá Quát, con người mà khi may mắn có dịp đọc hết về thơ văn, hành trạng của Ông, Tôi đã đem lòng yêu quí cảm phục.

Với Tôi, ít nhất với cái hiểu nông cạn của người ít chữ, hiểu muộn, Ông đứng đầu trên tất cà các văn nhân xưa của nước nhà, ít nhất là về mặt cận dân, chân tình. Dĩ nhiên do nhiều lý chứng tôi thấy được qua sử liệu và văn thơ của Ông, bạn bè Ông. Có thể là yêu quá lố, như yêu tự do ngôn luận! Nhưng cứ yêu quí "những cái như thế", có quá lố cũng đã sao? Vì nó chẳng mất gì, chẳng hại ai cả!!! Sai cứ đưa đầu chịu!

Ở con người Cao Bá Quát, ngoài cái ngang tàng, ương ngạnh dễ thấy, dễ ghét, là cả một khối chân thực, nhân bản với chính bản thân ông. Ông chân thực đến độ làm thơ bày tỏ mọi tình cảm thân thương, gần cận của mình: Với con, vói vợ, với mái nhà cây cỏ xung quanh. Ông hiểu cảnh khổ của vợ, và yêu quí vợ không dấu diếm để làm anh hùng "mặt sắt" như Ngô Ðình Diệm. Hoặc thanh bạch đểu, bịp như Hồ Chí Minh. Tôi không thấy mấy "văn hào" viết về vợ nhiều mà thiết tha, chân thực như Cao Bá Quát, kể cả Nguyễn Khuyến, hay Cụ Phan Bội Châu... Ở Cụ Phan (Thư gửi dạy con) ta thấy được đức hạnh, và trí lực của cụ Bà Phan..Nhưng không thấy cái tình thê nhi chan chưá như Ông Cao!

Tự Quân chi Xuất Hỹ
Tự Quân chi xuất hỹ,
Dạ dạ thủ không sàng.
Hải nguyệt chiếu cô mộng,
Giang phong sinh mộ lương.
Tiểu kính ký viễn khiếp,
Hàn y lưu cố phòng.
Tri thử tác tự úy,
Bất khiển lưỡng tương vong!

Diễn thơ: Từ dạo chàng ra đi
  Từ dạo chàng ra đi
Giường trống mình em ngủ,
Mộng côi, trăng biển soi.
Trời chiều, sông gío lạnh,
Gương nhỏ theo tráp Anh,
Áo rét ở phòng Em.
Cho nhau niềm an ủi,
Chẳng để mất tình nhau..

Ông nhớ thương vợ đến nỗi Ông còn cảm chuyền, tác đổi qua được cái tình đôi lứa với những người khác văn hoá với Ông, những bày tỏ tình cảm lộ liễu của người phương Tây, Ông không phản ứng như một sự lạ lùng, mà chiêm ngưỡng để cảm nhận cái biệt ly của mình qua niềm hạnh phúc ấm cúng của người.

Dương Phụ Hành
Tây Dương thiếu phụ y như tuyết,
Ðộc băng lang kiên tọa thanh nguyệt.
Khước vọng Nam thuyền đăng hỏa minh,
Bả duệ nam nam hướng lang thuyết.
Nhất uyển đề hồ thư lãn trì,
Dạ hàn vô ná hải phong xuy,
Phiên thân cánh thiến lang phù khởi,
Khởi thức Nam nhân hữu biệt ly

Diễn thơ: Bài Hành, Người Ðàn Bà Tây Phương
Áo nàng Tây kia, tuyết một mầu
Vai chồng nàng tựa ,dưới trăng thâu
Ghé mắt thuyền Nam, đèn một bóng
Tíu tít chuyện chi níu áo chồng.
Tay nàng uể oải nâng ly sữa,
Lạnh quá đêm về, gió biển đông
Nghiêng mình, nàng muốn chồng nâng dậy
Ta cảnh ly sầu, có biết không!

Ôi cách đây gần hai trăm năm, cái thời phong kiến cổ hủ, mà Ông Cao Bá Quát của tôi lại lãng mạn tình tứ đến tuyệt vời như thế ư! Vơí cái lòng yêu thương, nhớ nhung vợ con "lộ liễu"như thế, Tôi cứ tưởng tượng cảnh Ông Cao ở nhà, có bà Cao, và các con, mà không khỏi bồi hồi. Ông sẽ ôm vợ, nựng vợ, ôm con hôn con...Mà chỉ có riêng hai Ông Bà thì chắc phải biết! Không biết bao nhiêu là lời nhẹ nhàng đường mật nên thơ, dí dỏm!

Một người nho sĩ "Á Ðông cổ hủ" của thời phong kiến triều Nguyễn, rặt khuôn nhà Thanh bên Tầu, mà lại "chiêm ngưỡng" được cái tình tứ, nũng nịu "lộ liễu công khai", của cô gái Tây; rồi viết thành thơ, thì chắc chắn không có cái não trạng "đạo đức phi Nho" của người đương thời!  Với gia đình Ông, chắc không có cái cảnh chồng chúa vợ tôi; như vẫn thường thấy ở Việt Nam, nhất là ngoài Bắc, ngay ở thời đại này.

Ông không chỉ là người chồng yêu vợ, kính vợ (Không biết có sợ vợ không? Chắc chắn không! Vì nếu sợ vợ, Ông đã không nghèo đến thế, và Bà Cao đã không phải đi giã gạo mướn. Bà Cao không phải hạng đàn bà đanh đá nẹt chồng). Ông còn là ngưòi cha thương nhớ con. Ông thương con, con Ông chết, ông nhớ con quay quắt mỗi khi nhìn ngắm con trẻ của ngưòi khác:

Hữu Sở Tư
Tiểu tiểu nhân gia tử,
Song song bộ ngữ trì
Vong tình năng hữu kỷ (1)
Ngô diệc ức ngô nhi.
Luyến mẫu đề cơ xứ.
Khiên ông học bái thì.
Môn lan kim bán tịch,
Ư nhĩ hệ tương ty.

Diễn thơ: Nỗi buồn
Be bé con nhà ai,
Sóng đôi lững thững nói.
Ai quên hẳn được tình,
Ta nhớ con ta quá!
Lúc đói bám lấy mẹ,
Bám Ông học vái thưa.
Cửa nhà nay nửa vắng,
Nhìn bay mà nhớ lây,

Tình cảm của Ông chan chứa với mọi người thân, thương vợ, thương con đã đành. Ông thương chị thương em cũng như thế. Khi đang trăn trở chuyện riêng, vấn lỗi mình nơi viễn xứ xa xăm. Mà nghe tin chị mất, Ông đau lòng đến bấn loạn:

Ðắc gia thư, thị nhật tác.
 ..............
Bổ quá niệm di thâm,
Há duy đãn thùy mặc
Khách tự cố hương lai,
Kiến Ngã phục thán tức.
Ðạo quân hữu hận sự,
Ái tỉ dĩ quyên vực,
Cúc thủ khải giam thư,
Tinh thần loạn hoàng hặc.
Ô hô! Cốt nhục tình,
Viễn khách huống di trắc
. .................
Nhật mộ độc trầm ngâm,
Tam vãn vọng thành bắc.

Diễn thơ:
 ..........
Ðang nghĩ để sửa sai,
Lặng người cúi buông màn,
Có khách từ quê đến,
Gặp ta cứ than dài,
Nhà Ông có việc tang
Chị Ông vừa mới mất,
Tay run vội mở thư,
Lòng bàng hoàng rắm rối,
Ôi thôi, tình cốt nhục.
Tha phương lại buồn hơn,
 .........
Trầm ngâm một mình tối,
Ba lần ngóng Bắc thành.

Nghĩ đến đây,Tôi định đem những hạng người như Hồ, Diệm , Thiệu ra so sánh, nhưng thấy làm vậy là bất kính với Ông Cao Bá Quát, nên thôi! Không thể đem những phường bán nước hại dân ra mà ví ngang với một con người đại nghĩa, hùng tâm của dân tộc được.

Người ta tranh cãi nhau, bảo ông Cao Bá Quát làm "khởi nghĩa cách mạng"; còn cần bằng chứng nhiều để tranh luận. Nhưng tôi tin Ông Cao làm cái gì gì đấy, gọi là "cách mạng" hay, "nổi loạn", hay "khởi nghĩa" v.v cứ gọi. Với tôi, không quan trọng. Nhưng chắc chắn Ông vì tình cảnh nhân dân mà làm. Còn bảo những tên bán nước làm Tổng Thống, Chủ Tịch Tổng Bí thư v.v mà vì dân thì có ba vạn chín nghìn quyển sách làm bằng, tôi cũng xé bỏ, nhổ vào mặt..

Có ai nghĩ được con người ngang tàng, coi cái chết nhẹ như không kia, lại ủy mỵ nhân tình thế ấy nhỉ? Mà đâu chỉ có thế. Ông còn nhớ quê nhà da diết nữa. Nơi xa, ở kinh thành Huế, mà khi có ai từ Bắc ra Ông liền gặp hỏi thăm tin tức quê nhà, tình cảnh cha mẹ....

Kiến Bắc nhân lai, Nhân thoại cố hương tiêu tức. 
 Mạch mạch tương khan thức lệ ngôn,
Nam nam bất yếm thoại hương thôn.
Lão thân kiện tại liên chi cách,
Trĩ tử hoan lai hỷ phụ tồn.
Cựu thảo tự trần đôi phế lộc,
Tiểu mai vô lại khóa tu viên.
Trường đình bắc cố vân thiên viện,
Xuân vận thùy chiêu vị tử hồn?

Diễn thơ: Nhân gặp người từ quê Bắc  hỏi chuyện cố hương
Lúng túng nhìn nhau nước mắt rơi
Rầm rì chuyện xóm, mãi không thôi
Mẹ cha ngồi nhớ con xa vắng
Bầy trẻ mừng vui bố vẫn còn
Bài cũ bụi đầy trong đống sách
Chẳng ai phụ giúp cây mai vượt tường
Trường đình hướng Bắc mây xa quá
Hết Xuân, người sống, có ai gọi hồn?


Ðọc bài thơ nhớ vợ lúc nhận thư, nhớ con khi nhìn con trẻ người khác v.v thì đủ thấy Ông không lúc nào là không nhớ vợ, thương con, kính nhớ cha mẹ, nhớ quê hương, làng cũ. Con người của Cao quân sư, quân sư của "giặc" phản Triều Ðình mà chan chứa bao la như thế ư? Trời đất hun đúc khuôn nào linh thiêng, để tác tạo ra Chu Thần vậy nhỉ?

Cái đặc biệt trong nhân cách và tình thương chan chứa của Ông, là ở chỗ nó không giới hạn chỉ có nhà mình, gia đình mình, mà nó dàn trải bao la cho đến những cùng khổ của đồng bào ông, những người Ông gặp trên đường lưu lạc, tù đày, hay công tác..Hoạc những lúc thơ thẩn buồn đời dạo chơi, vào chiều tối, hay trong sáng sớm sương mờ. Cái tình của Ông là cái tình thật người, và cũng thật là của kẻ sĩ, lo cái lo của thiên hạ, vui cái vui của thiên hạ "Tiên ưu, thiên hạ chi ưu, hậu lạc, thiên hạ chi lạc.."

Tình cảm của Ông nó "tủn mủn", nhỏ bé. Nó đi từ một con người dân giả, đến đất nước, quê hương. Phải chăng nó là tâm tình của một nhà ái quốc, lãnh đạo chân chính? Không, ông không "tủn mủn" theo cái đạo học nhân từ như cụ Nguyễn Du, thương thập loại chúng sinh, thương đời cô gái Tiểu Thanh, chỉ do đọc trong một truyện ký mãi ba trăm năm trước.. Ðể rồi than thở không biết ba trăm năm sau có ai khóc mình như mình khóc Cô Tiểu Thanh kia chăng?

Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố như? (Ðộc tiểu Thanh Ký)
 (Ba trăm năm nữa bên trời, Ai người tri kỷ khóc đời Tố như?) (NK diễn thơ)

 Cụ Nguyễn Du có cái "tủn mủn" của bậc chí nhân, Còn Ông Cao, có cái "tủn mủn" của người "Ðại Nghĩa". Cái nhìn của một người lãnh đạo nhìn từ cảnh cá nhân, mà rồi nhìn ra nguyên nhân cùng khổ trong xã hội, cơ chế..

Ông bén nhậy với tình ngưòi, cảnh người. Cảm thương cảnh nghèo, nhìn thấu đuợc nguyên nhân, như trong một buổi chiều tối đứng lặng nhìn một người con gái qua cầu:

Mộ Kiều Qui Nữ,
Tư lường hàn khổ vị đương ky,
Khang ngột như châu khước điển y.
Phong lộ quá kiều hồn bất ác,
Ỷ môn ưng hữu vọng nùng qui.

Diễn thơ:
Cô gái buổi tối qua cầu về nhà.
Gió rét sao bằng đói khổ,
Gạo hơn vàng, cầm áo mà mua..
Gió rét qua cầu không biết lạnh!
Biết có người thân, đói bụng chờ....

Ông thâm cảm được cảnh của từng ngưòi dân. Trong cái nhìn của Ông là cả một nỗi xót xa lớn cho xã hội ông đang sống. Nhìn đâu ông cũng gặp như thế... Cả đến người tát nước bên đường Ông gặp khi đi ngang qua:

Hiểu Lũng Quán Phu.
Vụ lý song cao tấn thủ khiên,
Phúc hiêu, thần chiến, đoản xoa xuyên.
Bách thầm phá thảo trường đê mạch,
Ngũ xích tân ương thượng bạn điền.

Diễn thơ: Người tát nước trên đồng cao.
Gầu đôi thoăn thoắt dưới mù sương ,
Cánh tay, áo ngắn, đói môi run.
Bên đê, bờ cỏ, vừa mới phá,
Mạ trên, năm thưóc chỉ chấm bùn.

Cho đến người phu nhà đòn, vác hòm, mà ông gặp giữa phố, nhất nhất nó thấu vào tâm nhân, lòng nghĩa của Ông. Ông không chỉ ngắm nhìn xuông của kẻ ngoại quan, bàng thị, mà xà đến để lắng nghe nỗi khổ của họ, hoặc hỏi thăm sự tình, nếu thuận tiện:

Phụ Tương Tử. (Phu nhà đòn, đám táng)
Vũ vũ phụ tương tử,
Nhất bộ hồi nhất thán..
Hốt phùng y quan nhân,
Ác thủ lệ doanh nhân.
Vấn tử kim hà cư?
Thập niên bất tương phùng.
Tự vân trường dĩ hỹ,
Hể hữu nhân da dong?
Tích giả đê hạ điền,
Thập mẫu phả dĩ phong.
Tự thất Mậu Tý thu,
Lữ thực vô tây đông.
Qui lai điền cửu vu,
Lý tư vấn thâu cung.
Thâu cung hữu trình kỳ,
Tiện trị điển bất đắc,
Ô hô quân cố nhân.
Mại đắc thương gia lực,
Nhân sự lũ quai ngộ,
Tam tải vô thân tình.
Khởi bất dục thường kiện,
Xuy cấu nhật giao tinh.
Ðường thượng sung phì cam, Hạ tận sấu lộ tích,
Thùy gia vô chủ nhân, Khứ thử dục hà thích?
Tô trách nhật dĩ cửu, Dong tiền dư sổ mâu.
Triêu lai lý tửu tịch Ngộ phá lưu lý tôn!

Ngưuời ta khổ đến thế! muà màng đã mất mát, quan trên lại đè nén, bỏ nhà đi cầu thực, người thân, nhà cửa phải bỏ xa. Thế cũng không thoát quan quyền thuế má gắt gao, còn bị chủ đánh mắng, bỏ đói, lỡ sai việc sợ đòn rồi phải bỏ trốn...Bơ vơ vẫn bơ vơ, đói khổ vẫn đói khổ v.v

Và đến người ăn mày trên phố. Tất cả những cùng cực "cá nhân" "tầm thường" nhỏ bé " ấy không bao gìò Ông lạnh lùng đi ngang, bước rảo, như những "phụ mẫu chi dân", và người Việt Nam hôm nay, tôi từng gặp ở Sài Gòn, Huế , Hà Nội, những người mà họ có thể ăn nhậu cười nói bên cạnh những cảnh đau thương như thế!  Thậm chí họ còn buông vài câu khôi hài giỡn cợt, hay mắng nhiếc vô nhân tâm... "ăn mày là do họ lười biếng v.v".

Cái tử..
Cái tử lập trì trù,
cơ hàn bất cảm hô..
Y khiên song lạp phá,
Mệnh đãi nhất tiền tô.
Trưng liễn thời phương cấp,
Phương lưu nhữ hạt cô?
Bất tài diệc nhân dã,
Nhì nữ mạc khiên du.

Diễn thơ: Người ăn mày.
Ăn xin, vẻ ngập ngừng,
Ðói rét không lên tiếng
Nón rách chắp áo lê
mạng sống, một đồng tiền.
Việc thuế đang cấp bách,
Lưu lạc, tội đồ gì ?
Ăn mày, cũng người cả,
Ðừng chọc phá ngưòi ta..

Ôi cái nhìn nhân bản, về nhân phẩm một con người bất kể hèn sang của Ông, nó rõ như trăng rằm! Ðấy cái nỗi khổ của từng hạng người dân cùng cực, mà không có những người như Ông Cao, bén nhậy, cận tình, tìm hiểu làm sao mà thấu..!!!

Ngày xưa không có truyền hình để "tuyên truyền" cái khổ của dân chúng, quan trên dễ mấy người biết và muốn biết. Có ngay sát cạnh có người vẫn không hay! Thế mới thấy "nhận biết" không chỉ do mắt nhìn mà còn do tâm trí, tâm địa con người nữa!

Ngày nay, cái nỗi "khổ" 11-9-2001, của dân Mỹ cứ được truyền hình nhắc đến, văng vẳng theo điệu nhạc buồn thê lương! Khiến lòng ai cũng bùi ngùi thương cảm!!! Giả như cảnh người dân Palestine bị bắn, bị đánh đập hàng ngày; Người A Phú Hãn lếch thếch rạc rài bom đạn bên vệ đường; hay là người Việt Nam khóc than bên những xác chết tay bị trói quặt, cái đầu lâu bêu trong nón lá, của tết Mậu Thân; hoặc cảnh trẻ em, người già phụ nữ bị bắt, chết sõng xoài trong mương cống ở Mỹ Lại, xác trẻ em, bà lão nát văng trên đường phố ở Khâm Thiên v.v mà cứ được chiếu liên tục trên truyền hình thế giói như thế thì sao nhỉ? ..

Nghĩ lại cái khổ nhỏ của nhà giàu nó vẫn lớn, và dễ làm động "lòng người" hơn là vì thế.. Tây nó có câu "Out of sight, out of mind"=Khuất mắt, ngoài tâm! Kể ra quá đúng...Do lòng người hời hợt, chuộng lợi, phù thịnh, tâm địa nông cạn mà thôi. Thời đó, mà Ông Cao của tôi đã cố gắng làm việc nói lên sự thật này một cách lạc lõng...để rồi... Ông làm khởi nghĩa!

Nhưng ở Ông, không có cái đạo mạo, đạo đức giả của những "nho sĩ quân tử" giả làm chân chính. Ở Ông, tất cả cái tình, tình nhi nữ, tình cha con, vợ chồng, bằng hữu, đất nưóc, nhân loại, là cả một khối tình nhân bản và nghệ thuật tuyệt vời...

Ông yêu cái đẹp của phụ nữ, của nàng con gái. Ông yêu say mê và trân trọng nữa cơ!:

Giai Nhân,
Giai nhân nan tái đắc,
Trót yêu hoa nên gian díu với tình.
Mái tây hiên nguyệt gác chênh chênh,
Rầu rĩ bấy xuân về Oanh nhớ.
Phong lưu tài tử đa xuân tứ
Trường đoạn Tiêu nương nhất chỉ thư.
Nuớc sông Tương một giải nông sờ,
Cho kẻ ấy người đây mong mỏi
Bứt rứt nhẽ trăm đường nghìn nỗi,
Chữ chung tình biết ngỏ cùng ai?
Trót vì găn bó một hai...

 ******
Tài tử vói giai nhân là nợ sẵn,
Giải cấu nan chũ ấy nghĩa là sao?
Trải xưa nay từng đã xiết bao,
Kìa tan hợp nọ khứ lưu đâu dám chắc
Giai nhân khứ khú hành hành sắc
Tài tử triêu triêu mộ mộ tình..
Ấy kìa ai; như mưa tuôn như nước chảy, như gío mát như trăng thanh,
Lơ lửng khéo trêu mình chi mãi mãi.
Trời đất có san đi mà sẻ lại.
Hội tương phùng còn lắm lúc về sau.
Yêu nhau xin nhớ lời nhau...

Thế mà Du Tử Lê một lần nói chuyện ở Ðại Học Úc Châu, bảo nhà văn xưa trưóc đầu thế kỷ 20, trước khi văn hoá Tây tràn vào, không biết lãng mạn, không biết nói về mình. Rõ ngớ ngẩn!

Tình cảm nhân-bản của Ông nhẹ nhàng, tha thiết bao nhiêu thì Ông khinh bỉ bọn cường quyền, gian lận bấy nhiêu. Ông khinh bỉ hạng theo đuôi , xu phụ, vào hùa, noí gian, hiếp đáp nhân dân. Ông khinh ghét đến độ thẳng thừng nói rõ với bạn cái khinh ghét của mình , không nề hà né tránh, khi bạn sắp đi nhậm chức quan, để cảnh giác bạn:

Tống Nguyễn Trúc Khê xuất lỵ Thường Tín kiêm trí Lê Hy Vĩnh lão kế. 
  Cố nhân phân thủ Hà thành lộ Thiên lý đăng xa nhãn như cố.
Bệnh trung vô tửu tống quân hành, Vọng đoạn giang đình thụ sắc mộ.
Thủy quân thích hoạt tòng ba thư, Tiền vi Thạch An hậu Phù Cừ.
Thạch An giai sơn dữ sơn lạc, Phù cừ giai thủy dữ thủy cư.
Nhân chi dục an các kỳ tính, Ngã dĩ vật nhiễu hành hữu dư.
Lưỡng bang sự dị chính nhược nhất,
Ngoạ nhi trì tri hà dụ như Tức kim bị mệnh lai tư địa.
Giản yếu hề cư thị quan ky Văn nhã danh hương cố hữu vân,
Tài phú sở mệnh kim tắc dị. Tam tỉnh tiếp liên giang dã gian,
Bách công thác xử binh dân lý. Y quan chi tộc bán thanh lưu,
Tỉnh ấp chi hào đa cố lại. Nội ngu đố dịch, ngaọi tham quan,
Thượng úy vương chương hà thanh nghị.
Ngô tào phan doãn hữu di âm,
Tạc nhật Ứng Hoà do cận sự.
Tử chân luyện đạt cánh hà ngôn,
Sỹ hoạn tam qui yết toạ gian.
Bảo chướng kiển ty tòng thức triệt,
Ưng chiên loan phượng định thùy nan?
Bả bút tặng quân, thỉnh quân biệt, Ức ngã nhân chi hoàn hữu thuyết:
Thử bang cổ vị phú danh nhân,
Tiều Ẩn, Ức Trai đĩnh song tuyệt,
Trượng phu sinh bất năng phi can chiết hạm, vị thế phù cương thường.
Toạ thị đương đại kiêu sài lang; Bạch đầu trú cẩm ô cố hương!
Phục bất năng thuẫn ty ma mặc, phi hịch định tứ phương.
Ðê đầu oải ốc khí bất xương. Mộ niên tử chẩm nhi nữ bàng,
Túng nhiên địa hạ qui lai kiến nhị tẩu, Diện hậu tâm quỉ, thần thảm thương!
Toạ niệm thử sự thành khái khang, Y ngô lão hỹ hà sở vương?
Quân lại, thỉnh phóng Nhị Khê dữ Cung Hoàng. Ðăng nhị tẩu chi từ đường,
Vị ngã, tái bái khuynh tiêu tương.
Thả báo cố nhân Lê Hy Vĩnh, Bảo ngã hảo tại, bất tử duy bệnh cuồng!

 Trong bài, Ông nhắc đến hai bậc tiền nhân, sĩ phu đại nho mà Ông ngưỡng kính: Chu Văn An và Nguyễn Trãi. Hai nhân vật này là hai đại hiền tài của đất nưóc, dẫu mỗi người xuất xử có khác nhau, nhưng với ông, ai chân tình vì nước vì dân, đều là thần của bá tính, nên nhìn vào mà noi gương. Ông nhắn với bạn hãy suy xét trước sau mà chọn lựa giữa hai con đường: Vì dân hay hại dân. Nếu vì hèn, chỉ biết miếng lợi, thì sẽ chỉ là kẻ "mặc áo gấm" mà về làm nhục tổ tiên, bôi nhọ đất tổ mà thôi; Sống thì ăn như mọt, về già chỉ rúc đầu vào vợ con mà chết. Cả đến khi chết rồi, phải gặp lại tổ tiên, gặp lại các bậc tiên hiền như hai cụ Chu Văn An, cụ Nguyễn Trãi thì mặt mày cũng chỉ lấm lét thần thảm thương mà thôi. Túng nhiên địa hạ qui lai kiến nhị tẩu, Diện hậu tâm quỉ, thần thảm thương!

Không kể cái coi thường quan cách, công danh, phủ phục tiền bạc, quyền thế như người đương thời, "Mỏi gối quỳ mòn sân trướng phủ"; những cái mà nếu ông muốn, ông chỉ cần gật đầu là có, chứ không quì gối khom lưng, uốn lưỡi như người khác. Vì ông là bạn nể trọng của hàng Vương Tôn, Quốc Công, Vua cũng nể tài. Còn một nét đặc biệt về Ông, đó là cung cách ứng xử với thẳng thắn, nhất là với bằng hữu. Cái lối cư xử chân tình, thẳng tắp không lụy, cả nể tình thân. Ông cư xử bằng cái Nghĩa, cái Chính Ðáng. Ngay cả đối với bạn Quan, Quốc Công hay bạn thường.. ..

Với bạn quan tước công hầu, Không kể có lần Ông đã chê thẳng cái thi xã của Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương là "Khắm" như thyền chở mắm Nghệ An (Câu thơ Thi Xã, Con thuyền Nghệ An) , ông thẳng lời nhận định, khi Miên Thẩm xin đề tập thơ, trước khi đi Quốc Oai làm giáo thụ..Ông nói thẳng về quan niệm thơ văn của mình, nói như "dạy" bạn, nhưng khiêm tốn đề bạt ở cuối tập bài..  

(Bài tựa cuối đề cho tập thơ Thương Sơn, Miên Thẩm-Tùng Thiện Vương. Bạn vong niên trẻ hơn Cao Bá Quát.) (-Bài nguyên tác chữ Nho, hình như Vũ Khiêu, hay Nguyễn Huệ Chi dịch, Tôi chưa rõ..) 

-Tôi sắp đi Quốc Oai, vì ốm nên chưa khởi hành. Thuơng Sơn công, sai người đến hỏi rằng: "Ông sắp đi rồi, có lẽ nào lại không có mấy lời để lại trong tập thơ vừa rồi của tôi?". 

  -Tội nghĩ: Thơ thật là khó nói. Quốc Công cũng đã biết rồi. Hiện nay có cái học khoa cử in sâu vào người ta đã mấy trăm năm, tiếng vang của Phong, Nhã, hầu như đã tắt hẳn. Quốc triều ta trị giáo sáng sủa (!). Các tác giả nối gót mà ra đời. Nhưng vì cái thói ủy mị yếu ớt còn rơi rớt lại, ít có người tự thoát ra được: Người Kém thì khổ về nỗi nhân tuần, dễ dãi, người Có Hào Khí, thì mắc vào bệnh nuốt sống bắt tươi. Còn những người sức học gọi là dồi dào, hý hửng tự đắc, thì chỉ muốn vơ vét trăm nhà, thâu tóm mọi thể, thành ra mô phỏng quá nhiều, mà phong cốt chưa cao. Tô điểm có khéo nhung tinh thần còn thấp. Ðúng như Khương Tây Minh đã nói: "Rập kiểu những hơi ngâm, câu rườm, cho đó là khí tượng để giả thác làm thơ thịnh Ðường. Ðó là thói quen say đắm vào thi thoại của các nhà, ăn món ăn của cổ nhân, mà không tiêu hoá được". 

  -Bàn về thơ, tuy có phải chứ trọng về quy cách, nhưng làm thơ thì phải gốc ở tính tình. Nếu việc nào cũng bắt chước cũ, câu nào cũng học theo người: Ðầu thôn tạm biệt, đã hát câu chén rượu Dương Quan, xóm cạnh quan chơi, đã ngâm câu "tiếng gà điếm cỏ". Nắn nót những lời biên tái, loè người là tuyệt diệu Gia Châu, chải chuốt các thể trong cung, tự phụ là văn thời Thiếu Bá. 

  -Có thể nghìn bài chứa đầy bể khổ, trăm vần đã cạn ruột khô, ham được khoe nhiều, không quan hệ gì đến tính linh cả! Ví như học viết, nếu cứ theo lề lối không bến hoá, thì tuy có hệt đuơọc cái mặt ngoài của lối chữ Lan Ðình, cũng chẳng ai thèm kể vào đâu. Tô Ðông Pha bàn về cách viết, có nói : "Không học là hơn!". Ai hiểu được ý ấy, thì cùng có thể nói chuyện làm thơ được. -Sớm tối tôi sẽ từ biệt, nên tập thơ đưa lại đây, Tôi chưa thể đọc hết đưọc, chỉ xin đem ý kiến quê mùa phụ vào để đạo đạt lên, mong dạy bảo thêm cho mà thôi. 

Tôi theo Quốc Công chơi đã lâu. Thơ của Quốc Công đâu phải đợi đến ngày nay mới nói đến? Và cũng đâu phải đợi đến Quát này mới có thể nói được.  

-Sáng ngày mai, ở phía cầu Ðốc Sơ, trông về phía nam cửa khuyết có ánh sáng rừng rực bốc lên trên nửa tầng không, đến tận trời xanh, mây trắng, từ xa nhìn lại mà không chán. Ðó không phải là núi Thương Sơn ư? Mua rượu uống rồi, cởi áo nơi trường đình, bồi hồi ngâm vịnh các bài thơ "Hà Thượng" của Quốc Công, lòng khách càng cảm thấy xa xăm man mác. 

 Năm Tự-Ðức thứ 3 (1851) đầu mùa hạ, ngày lành trong tuần sơ.  
Cúc Ðường Ngoại sử, Cao Bá Quát, Chu Thần bái thư.

Kể ra một thư ký quèn, chạy văn thư như ông (Hành tẩu bộ Lễ) mà lại được một Quốc Công nhất phẩm triều đình, trọng vọng quí mến, dù ông thẳng thừng ngang ngược, mà họ không giận, thì đủ biết nhân cách trong sáng của ông như thế nào, và cái khí độ khoáng đạt của ông Quốc Công này ra sao rồi...

Ngay cả những cái thú tao nhã, ý riêng của bạn, mà ông thấy cần phải phê bình, ông cũng thẳng tuột, như với ông bạn Phan Sinh , ông phê ngay cái cách uống trà của bạn :...  

Vị mính Tiểu Kê đồng Phan Sinh dạ toạ. (Phan Sinh hiếu thủ mính xuyễn, nạp hám đạm trung, kính túc chữ ẩm, hỷ hữu lương phức)
Tuyển hữu mạc thủ khí!
Thủ khí mê kỳ nhân.
Vị mính mạc thác hoa!
Thác hoa ly kỳ chân.
Hiểu tỉnh cấp thanh tuyền,
Tế thán ly tân hỏa.
Vô yên dữ trần khí,
Hối thủ nhất tiếu khả.
Như hương quí thanh chân,
Bất dụng ngoại thước ngã.
Vô dĩ nhất ác khan
Phóng nhĩ tị quan giả.
Huyễn phục phi tráng nhan,
Phồn âm biến Ðại Nhã.
Thí lưu nhất chuyển ngữ.
Tự Tại, chứng hiện quả.

-- Diễn thơ: Bài tiểu Kệ, làm lúc uống trà khuya với Phan Sinh. (Phan sinh thích ướp Trà vào sen, để qua đêm, lấy ra uống, vì cho là có mùi thơm thú vị)

Kết bạn theo bề ngoài!
Bề ngoài khó nhận ai.
Trà ướp hoa đem uống,
Mất vị thật Trà thơm.
Sáng sớm dùng nước giếng,
Than hồng nhóm lửa cơi.
Bụi , khói không vẩn trời,
Rửa tay, ngồi cười khẽ
Thử hương quí tinh Trà,
Chẳng cần thêm vị khác..
Ðừng vì yêu cái hiếm,
Ðánh lừa mũi của ta.
Áo sắc không mạnh người.
Lời dài mất nhạc hay
Xin ghi nhớ lời này.
Tự tại minh chứng ngay..

Có ai được mời uống Trà Sen hiếm quí, lại chê ngay và còn "chơi xấc", " "dạy ngược" bạn mình nữa kia chứ. Không thấy sử ghi lại là Phan Sinh có giận Ông hay không? Nhưng Miên Thẩm Tùng Thiện Vương, và Quan Án Sát Phương Ðình, Nguyễn Văn Siêu, cho đến khi Cao Bá Quát bị chết, hay (bị tù tội hành hình) vì khởi nghĩa chống triều đình, vẫn một lòng bênh bạn, yêu quí bạn, dẫu ngược ý triều đình.

Xét đến đây mới thấy con ngưòi xưa quả chân tình và dũng cảm. Người ta cảm mến, trân qúi cái nhân cách, việc làm của nhau, bất kể lợi danh. Thời nay, đồng minh, đồng chí, chỉ vì miếng cơm, manh áo, chức vụ mà bỏ nhau, không dám nhận bạn.. như những bạn cũ, đồng chí của Ông Trần Ðộ! Hà Sĩ Phu!

Ngòai này, bạn bè bỏ nhau cũng chỉ vì một công việc, một cái danh hờ, một mảnh bằng, một phe nhóm. Không dám nhận nhau, bênh nhau, chỉ vì bạn mình khác chính kiến, bị chụp mũ! Hoặc chính bạn mình chỉ vì nói lời chính trực mà nghi bạn mình là Phản Ðộng, hay Việt Cộng nữa cơ!

Ôi tất cả là vì sợ: Sợ cái gì nhỉ? Khi đã hèn và sợ, thì sợ đủ thứ! Nói làm sao hết được.

Thôi thôi! Người xưa và nay quả có khác! Ai lên án Nho giáo! Chứ Nho giáo đã góp thêm vào để rèn luyện nhân cách mấy đời Kẻ Sĩ Việt Nam như thế đấy! Vô úy, vô ưu! cái phong thái tam giáo nó quyện đặc, nhưng lại bàng bạc trong tâm: "Chí Nhân vô kỷ, thần nhân vô công, thánh nhân vô danh"! Không biết đã đi đâu rồi! Ơi! Kẽ Sĩ Việt Nam ở đâu? Hà sĩ phu? Hà sĩ phu?

Cái nghèo giàu, hèn sang được nhìn khác biệt.. Miên Thẩm giàu sang mà nghèo. Chu Thần nghèo mà sang! Vì Miên Thẩm giàu của mà nghèo bạn chân tình , khí khái, chỉ rặt một bọn xu phụ ton hót chung quanh; Chu Thần nghèo của nhưng giàu tình người, lắm bạn chân tình khoáng đạt, gác gối uống rượu ngâm vịnh bất kể nệ hà!. Miên Thẩm nhờ may mắn được kết giao với Chu Thần mà hạnh phúc..Chả trách ngưòi kém cỏi hay phê bình Miên Thẩm cao sang mà thơ văn có giọng hàn nho... Không có Cao Chu Thần thì tâm hồn đời sống Miên Thẩm quả nghèo mạt, giả tạo. Có Cao Chu Thần, Miên Thẩm mới cảm được nhân thế qua cái nghèo, cái cùng cực của thường nhân! Thơ văn mới có hồn!

Ông không dừng ở đây, mà còn thẳng với Vua mới "bỏ mẹ đời"! Vua Tự Ðức, vốn cũng sính thơ, mà thơ hay nữa.. Tác giả của câu thơ trữ tình bất hủ: "Ðập cổ kính ra tìm lấy bóng, Xếp tàn y lại để dành hương".. (Khóc Dương Phi)  

** Một lần ông Vua này nghĩ ra được một đôi thơ vừa Hán vừa Nôm, rõ tuyệt. Nhưng lại quen tính "thiên tử" bốc phét. Nên sau buổi chầu, ở lại cùng đám cận thần sính thơ phú, có máu văn nghệ, mới đem khoe rằng "trẫm nằm mộng" thấy câu thơ hay, rồi đọc cho họ nghe: Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ, Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai. Ai nghe cũng hít hà khen vùi, thánh đế, thì ắt là thần khẩu v.v và v.v Riêng có Cao Bá Quát lẳng lặng, rồi "ý kiến" xin "phát biểu": 

  -Chắc bệ hạ thức khuya dậy sớm, lo việc nước nhiều mệt(!) nên lẫn đấy thôi! Chứ hai câu này là trong bài thơ tám câu mà thần đọc từ nhỏ!  

Thế có tán mạng không cơ chứ! Nhưng cái ông Tự Ðức này cũng thuộc hạng thích "nghe chửi chữ", bèn đủng đỉnh bảo ông Cao đọc lên cho nghe. Ông Cao thủng thẳng đọc một lèo : 

  -Bảo mã tây phong huếch hoác lai,  
Huyênh hoang nhân tự thác đề hồi,
Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ,  
Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai.
Sương nhật bất văn sương lộp bộp,
Thu thiên chỉ kiến vũ bài nhài.
Khù khờ thi tứ đa nhân thức.
Khệnh khạng tương lai vấn tú tài..

*Giai thoại này Tôi nghe Cụ tôi kể lại, nên có thể khác với nhiều với các sách vở khác.. 

 Cũng được cái Ông Tự Ðức là người ham vui, mà tự trọng, biết Cao "xỏ nhẹ" cái tật bốc phét của mình, nhưng phục vì hay và nhanh quá! Nên ông cũng cười xoà, và mọi người cười "thở ra". Thế nên Cao Bá Quát, không phải viết tự phê và đi cải tạo với tội nhạo báng Bác Tự Ðức...Khinh Chủ Tịch v.v như thời dân chủ này..

Viết đến đây , cứ nghĩ đến thi sĩ Nguyễn Chí Thiện. Nếu mà "xui xẻo" ông sinh vào thời phong kiến nhà Nguyễn Gia Long, Tự Ðức, chắc sướng hơn, không phải phí tuổi xuân trong tù, không vợ như thời Nguyễn Ái Quốc...

 Ðiều cuối cùng mà Tôi muốn nói về Cao Bá Quát của Tôi, là cái hiểu Nho Giáo của Ông, Ông hiểu Nho giáo như Mạnh Tử hiểu, hiểu đến nơi đến chốn: "Dân Vi Quí, Xã Tắc thứ chi , Quân vi khinh", và không chỉ hiểu xuông, để đi "tán dóc, khoe mẽ, hù dọa con trẻ" như Tôi, Ông thực hành nó đến nơi đến chốn, bằng sinh mạng mình..cuộc đời mình.. và thương thay! Thảm thay! Cả cuộc đời ba họ nhà Ông!!! Cho nên mới quan niệm:

Bình Dương Ðồ Bản Vô Nghiêu Thuấn
Mục Dã Minh Ðiền hữu Võ Thang..

Ông thể hiện ngay cái qua niệm chính danh, định phận: Quân Quân, Thần Thân, Phụ Phụ Tử Tử mà hành xử.. Vua phải ra Vua, Tôi phải ra Tôi, Cha phải ra Cha, Con phải ra Con. Người nào có bổn phận, trách nhiệm, quyền hạn nấy.. Ai không làm đủ bổn phận với danh gọi, thì coi như không đúng, mất quyền hạn, phải bị loại, bị phạt. Ngồi ngai Vua, mà không làm đúng cái bổn phận trách nhiệm của Vua, là giữ nhân cách, tu thân, tạo hạnh phúc cho nhân dân, trật tự cho xã hội, tiến bộ cho nhân quần, thì Vua hết quyền làm vua, không đáng làm Vua, mà chỉ là tên tàn tặc, cướp ngày. Dân cứ thế mà phế, mà diệt.

Ngưòi Con, Dân, không làm đúng bổn phận cứ thế mà gia tội. Ông Quát khởi nghĩa là làm cái việc ấy! Xét ra, nó cũng là lẽ dịch lý của vũ trụ vạn vật và xã hội con người: "Thần thí kỳ Quân, Tử thí kỳ Phụ, Phi nhất triêu, nhất tịch chi quá. Kỳ sở do lai giả tiệm hỹ"..Bầy Tôi giết Vua, Con giết Cha, đâu phải một sớm một chiều mà xảy ra! Mà do Vua không làm đủ phận Vua, Cha không làm đủ phận Cha , với những cái sai trái, càn dở, lâu ngày nó tích tụ lại mà thôi!
  
Ôi cái thể chế Pháp Trị đời nay có đi ra ngoài tư tưởng này đâu? Tư Tưởng người xưa còn có phần đi xa hơn, hay bổ khuyết cho nền Dân Chủ Pháp Trị đời nay ở chỗ "Tự Thiên Tử, dĩ chí ư thứ dân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản, kỳ bản loạn nhi mạt trị giả?",[2] (“ từ bậc vua chúa cho đến dân thường, phải lấy việc tu thân làm căn bản cho cuộc sống. khi cái gốc đã lung lay thì cái ngọn làm sao ổn định được.”)..

Nhìn tình trạng tha hoá, xa đọa của những xã hội Tiến Bộ Dân Chủ Pháp Trị hôm nay, mà đời sống vô sỉ, bất đức có thật là Trị không? Văn minh mà càng ngày đời sống cá nhân càng bất ổn, cửa năm bẩy lớp, đủ loại báo động, xe năm bẩy khoá, baó động đủ cách. Ðêm đêm ít dám ra đường. Tương quan giữa con người không còn gì khác hơn là Luật trị: Cha Mẹ, Con Cái cứ luật mà cư xử, dù con cái có mắng nhiếc cha mẹ, đuổi ra đường; Vợ Chồng, Anh Em, cũng cứ luật mà tính v.v không còn Ðức, chẳng còn Sỉ, không còn Tình! Mỗi người cứ suy nghiệm bản thân, kinh nghiệm sống trưóc mắt, ắt có câu trả lời riêng. 

Thôi giời ạ! nhân cái vớ vẩn ngẫu hứng, mà ngồi chép lại thơ văn , tư tưởng của người xưa! Chỉ chép thôi, chứ không viết làm ra, "Thuật nhi bất tác"! Chép chưa hết được một phần, mà đã mỏi tay, mệt não, dạ cứ bồi hồi. Mới thấy những gì mình viết chỉ là những ồn ào, láo lếu không đâu! Cái thùng rỗng vẫn cứ thường kêu to là thế...Người xưa và mình nay, quả khác nhau xa vời vợi... 

Bởi thế, nên xin bạn đọc lượng tình khi thấy những chữ viết không đúng. Vì có đúng, hay sai, Tôi nào biết được! Với cái "Bồ "chữ" Nho, khi gõ vào vang cả thế giói, nên nó thế. Cũng vì vậy mà chỗ nào "lòe" được mới dám múa "diễn thơ". "Diễn thơ" thôi chứ không dám "dịch thơ"! Còn bài nào khó, không diễn nổi, thì cứ để đấy cho thiên hạ người ta "nhờ". Không thì ai đọc đến đâu, người ta sẽ ôm bụng lăn ra chết đến đấy! Nghiệp quả, oan khiên tôi lại phải gánh! Nghiệp đã nhiều lắm rồi! 

Thân kính, 
 Nguyên Khả Phạm Thanh Chương. 
Mùng 8 tháng 9 Tân Tỵ, (24-10-2001) Một ngày bỗng nổi cơn "đại cuồng". 

 ===========
PHỤ BẢN. 

Vườn Thấm (Lục Du) 
Bóng xế thành hôm, ốc gợi sầu 
Thẩm viên đâu nữa, bóng đài ao! 
Dưới cầu sóng biếc trong đứt ruột 
Đây bóng hồng soi thoảng lúc nào? 
Mộng dứt, hương tàn bốn chục thu 
Thẩm viên liễu cỗi chẳng bay tơ. 
Thân này vuì đất Kê Sơn nữa 
Vẫn nhỏ dòng châu khóc dấu xưa. ..


2- Bức thư của cụ Phan Bội Châu gửi cho hai con, kể lược sử cụ bà trước khi cụ bà mất:

  “Này con! Chúng con ôi! Cha mày e chết ở rầy mai, có lẽ mẹ mày không được một phen gặp nhau nữa! Nhưng nếu trời thương ta, cho hai ta đồng chết, thì gặp nhau dưới suối vàng cung vui thú biết chừng nào! Nhưng đau đớn quá! Mẹ mày e chết trước ta. Ta hiện bây giờ nếu không chép sơ những việc đời mẹ mày cho chúng con nghe, thời chúng con rồi đây không biết rõ mẹ mày là người như thế nào, có lẽ bảo mẹ ta cũng như người thường thảy cả. 

Than ôi! Ta với mẹ mày “thật” gần năm mươi năm, mà quan quả “giả” gần bốn mươi năm. Khi sống chẳng mấy hồi tương tụ; mà tới chết lại chỉ nghe hơi. Chúng mày làm con người, đã biết nỗi đau đớn của cha mày với mẹ mày, chắc lòng mày còn thế nào mà vui thích được! Bây giờ ta ư lúc sắp sửa chết, mà chưa chết, đem lịc sử mẹ mày nói với chúng mày: 

Mày nên biết, nếu không có mẹ mày thời chí của cha mày đã hư hỏng những bao giờ kia! 

Cha ta với tiên nghiêm mẹ mày xưa, thảy nhà nho cũ, rất chăm giữ đạo đức xưa. Mẹ mày lớn hơn ta một tuổi. Hai ông đính thông gia với nhau từ khi con còn lên một. Tới năm mẹ mày hai mươi ba tuổi, về làm dâu nhà ta. Lúc ấy mẹ ta đã bỏ ta tám năm, trong nhà duy cha già với em gái bé. Ta vì sanh nhai bằng nghề dậy trẻ, luôn năm ngồi quán ở phương xa; cái gánh sớm chiều gạo nước, gởi vào trên vai mẹ mày. Cha ta đối với dâu con rất nghiêm thiết, nhưng chẳng bao giờ có sắc giận với mẹ mày. 

Cha ta hưởng thọ được bẩy mươi hai tuổi, nhưng bị bịnh nặng từ ngày sáu mươi. Liên miên trong khoảng mười năm, những công việc thuốc thang hầu hạ bên giường bệnh, cho đến các việc khó nhọc nặng nề mà người ta không thể làm được, thảy tay mẹ mày gánh cả. Kể việc hiếu về thờ ông gia như mẹ mày thật là một việc hiếm có. 

Trước lúc cha ta lâm chung ước vài phút đồng hồ, gọi mẹ mày tới cạnh giường nằm, chúc ta rằng “Ta chết rồi, mày phải hết lòng sức dạy cháu ta, và lại hết sức thương vợ mày. Vợ mày thờ ta rất hiếu, chắc Trời cũng làm phước cho nó”. Xem lời lâm chung của cha ta như thế, cũng đủ biết nhân cách của mẹ mày rồi. 

Năm cha ta sáu mươi tuổi, còn hiếm cháu trai, vì ta lại là con độc đinh, nên cha ta càng khát cháu lắm. Mẹ mày muốn được chóng sanh trai, cho bằng lòng cha, nên gấp vì ta cưới thứ mẫu mày, chẳng bao lâu mà em mày sinh. Trong lúc thằng cu mới ra đời, mẹ mày gánh việc ôm ấp đùm bọc hon một tháng. Cha ta được thấy cháu trai đầu hoan hỉ qúa chừng, thường nói với ta rằng: “Ta nay chỉ còn một việc chưa nhắm mắt là mày chưa trả cái nợ khoa danh mà thôi”. Mẹ mày nhân đó mà càng ân đức thứ mẫu mày, thân nhau hơn chị em ruột. Kể đức nhân ái với người phận em như mẹ mày cũng ít có. Cứ hai chuyện trên, bảo mẹ mày là mẹ hiền về thời cựu chắc không qúa đáng. 

Nhưng mà bắt buộc cho ta phải trọn đời nhớ luôn luôn, thời lại vì có một việc: 

Nguyên lai nhà ta thì chỉ có bốn tấm phên tre suông, chẳng bao giờ chứa gạo tới hai ngày. Nhưng vì Trời cho ta cái tính quái đặc, thích khỏan đãi, hay làm ơn. Hễ trong túi được đồng tiền, thấy khách hỏi tức khắc cho ngay. 

Thường khi từ trường quán về, ta tất mang luôn khách về nhà, khách hoặc năm sáu người có khi mười người chẳng hạn, nhưng chiều hôm sớm mai, thiếu những gì tất hỏi mẹ mày. Mẹ mày có gì đâu! Chỉ dựa vào một triêng hai thúng, từ mai tới hôm mà cũng nghe chồng đòi gì co nấy. Bổng dậy học của ta tuy khá nhiều, nhưng chưa đồng nào mà tay mẹ mày được xài phí. Khổ cực mấy nhưng không sắc buồn, khó nhọc mấy nhưng không sắc giận. Từ năm ta đã ba mươi sáu tuổi, cho tới ngày xuất dương , những công việc kinh dinh việc nước, mẹ mày ngầm biết thảy, nhưng chưa từng hé răng một lời. 

Duy có một ngày kia, ta tình cờ ngồi một mình, mẹ mày đứng dựa cột kề một bên ta mà nói: 

“Thày toan bắt cọp đó mà? Cọp chưa thấy bắt, người ta đã biết nhiều, sao thế?” 

Mẹ mày tuy có câu nói ấy mà lúc đó ta làm ngơ, ta thiệt dở quá. Bây giờ nhắc lại, trước khi ta xuất dương, khoảng hon mười năm, nghèo đói mà bạn bè nhiều, khốn cùng mà chí vững, thiệt một phần nửa là nhờ ơn của mẹ mày. 

Tới ngày ta bị bắt về nườc, mẹ mày được gặp ta một lần ở thành Nghệ, hơn nửa tiếng đồng hồ, chỉ có một câu với ta rằng: 

“Vợ chồng ly biệt nhau hơn hai mươi năm, nay được một lần gặp mặt thầy, trong lòng tôi đã mãn túc rồi. Từ nay trở về sau, chỉ mong cho thầy giữ được lòng xưa, thầy làm những việc gì mặc thày, thầy chớ nghĩ tới vợ con”. 

Hỡi ơi! Câu nói ấy bây giờ còn phảng phất ở bên tai ta, mà ta chầy chà năm tháng, chẳng việc gì làm, chốc đã chẵn mười năm. Phỏng khiến mẹ mày chết trước ta thì trách nhiệm của ta e còn nặng mãi. 

Suối vàng quanh cách, biết lối nào thăm; 
đầu bạc trăm năm còn lời thề cũ. 

Mẹ mày thiệt chẳng phụ ta, ta phụ mẹ mày! “Công nhĩ vong tư” Chắc mẹ mày cũng lượng thứ cho ta chứ!” 

Theo Lê Văn Siêu, "Văn Minh Việt Nam". 19??, Sài Gòn VN.


[1] Xin đọc phụbản.
[2] Sách Đại Học trong Tứ Thư

No comments:

Post a Comment