Hiện nay ở nước ta, nhất ban dân chúng đối với kẻ thanh niên tân học đương có một lời trách bị. Kẻ thanh niên tân học khi nghe được lời trách bị ấy, hình như cũng làm thinh mà thừa nhận đi. Đại khái họ vì cực chẳng đã mà thừa nhận, chớ chẳng phải vui lòng; họ muốn tránh cho khỏi lời trách bị ấy lắm chớ, có điều chẳng biết cách nào tránh khỏi, thôi thì phải thừa nhận.
Lời trách bị như vầy: Các ông thanh niên đi du học về, lãnh những bằng cấp nọ, bằng cấp kia, học đến bực cao như thế, mà chẳng thấy làm ra được cái gì gọi là giúp ích cho ai, cho xã hội cho đồng bào!
Kẻ thanh niên tân học nghe lời ấy rồi tự nghĩ lại mình thì quả thật như vậy. Một người học ở bổn quốc độ 20 tuổi, sức học đã khá rồi, bắt đầu xuất dương sang Pháp. Ở đất Pháp mau thì đôi ba năm, lâu thì sáu bảy năm, nếu là người thông minh có chí, ít nữa cũng lấy được vài ba cái bằng cấp vừa cử nhân vừa tấn sĩ rồi về. Về rồi, kẻ thì làm việc nhà nước, kẻ thì làm việc tư, lương mỗi tháng từ hai trăm đồng cho đến bốn trăm năm mươi đồng chẳng hạn. Trong khi đó, cưới vợ giàu sắm xe hơi, anh học sanh ngày xưa thì hôm nay đã nhảy lên cái địa vị sang trọng danh tiếng. Kể về dương danh hiển thân, như thế cũng đã được lắm. Song le, nói về sự đối với xã hội, đồng bào, tổ quốc, thì làm như vậy đó, có thể gọi được rằng giúp ích gì đâu?
Trong đám thanh niên tân học hoặc giả cũng có người nghĩ như vầy: Ủa hay! Hồi mình đi học, cha mẹ mình cho tiền, còn mình thì ra công thức khuya dậy sớm, ngày nay là ngày trồng cây đã có trái, thì mình và cha mẹ mình hái mà ăn, chớ lại có giúp ai? Tổ quốc, đồng bào hồi đó có thí cho thằng này đồng nào đâu mà bây giờ hòng kể lể?
Người nào nghĩ như vậy thì thôi, chúng ta cũng đừng nói tới họ nữa. Nhưng, không phải là không có người nghĩ khác.
Mục đích của sự học có phải là để hiển thân dương danh, vinh thế ấm tử mà thôi chăng? Hẳn không phải thế. Sanh ra làm người trong xã hội, ai cũng có một phần trách nhiệm đối với xã hội hết, mà những người có học thức cao chừng nào, lại càng có trách nhiệm nặng chừng ấy. Xã hội đương ở vào lúc thua sút tổ quốc đương ở vào lúc khó khăn, nhất ban dân chúng ở trong đó thấy không biết làm thế nào, thì cái lòng trông cậy ở hạng học thức lại càng nhiều. Trông cậy nhiều mà chẳng thấy được gì thì họ phải thất vọng; thất vọng thì hẳn có những lời trách bị theo sau.
Vị thanh niên nào đã nghĩ như tôi mới vừa nói thì cũng đã thừa nhận những lời trách. Có kẻ đã phàn nàn riêng về phần mình trong khi đàm đạo với chúng bạn:"Tôi nghĩ mà xấu hổ quá, hồi bước chân ra đi, định học về rồi làm thế nọ thế kia, té ra bây giờ cũng"một ngày hai buổi" như người ta!"
Biết thừa nhận lời trách và biết trách mình như vậy, con người ấy, ta phải nhìn nhận là người có lòng với tổ quốc đồng bào lắm. Thế thì ta thử nói với họ rằng: "Ông đã biết vậy, sao ông không làm gì đi?"- coi thử họ nói ra sao.
Tôi đã nghe người ta nói nhiều lần rồi. Người thì đổ cho thời thế khó khăn; người thì bực mình không có địa vị, không có quyền hành động; người khác nói mình có trí tài mà không có tiền; người khác nói nữa trình độ quốc dân ta còn thấp kém quá, hoá một vài tay học thức cũng chẳng đủ làm gì. Còn nữa, nhưng hẵng kể bốn cái thuyết đó thôi, bốn cái cũng đều có lý hết.
Tuy vậy chúng ta nên rủ nhau trở lại ban đầu, hỏi thử hai chữ "giúp ích" trong lời trách bị trên kia là muốn chỉ về điều gì, thế nào là giúp ích? Có phải người ta mong cho các ông đi du học về một cái, tức thì rinh cái nước Việt Nam này mà để lên một cái địa vị sang trọng chăng? Có phải họ mong mấy người đậu tấn sĩ luật về thì hãy thay đổi những cái luật pháp cũ đi chăng? Có phải họ mong mấy ông kỹ sư về thì lập ra rất nhiều xưởng máy để chế tạo quốc hoá chăng? - Có lẽ dân chúng không mong những điều đó. Không phải là họ không thích mà không mong; có điều họ biết chắc là mong như vậy không được, nên họ mong thế khác, họ nói "giúp ích" là nói cách khác.
Ai nấy đều biết rằng các nước phương Đông ta từ hồi gặp người phương Tây đến giờ thì tâm sự gì cũng thua kém họ hết. Lần lần lại hiểu thêm rằng người phương Tây sở dĩ họ hơn ta như thế là tại cái học của họ hơn ta. Duy có biết vậy mới rủ nhau qua Tây mà học; bằng không thì sự du học chẳng đã thành ra vô nghĩa?
Nguời Nhật Bổn và người Trung Hoa lại còn du học trước ta nữa. Cũng một ý ấy, họ biết cái học của Tây là hay, nên mới lặn lội đi tìm cho được để mang về xứ sở mình. Thì quả nhiên họ đã làm đạt đến mục đích rồi: bao nhiêu du học sanh của Nhật và Tầu từ trước đến giờ đã đem cái học sở đắc ở bên Tây ra mà truyền bá cho người trong nước. Nước của họ đã bỏ cũ theo mới, và đã tấn bộ gần bằng các nước phương Tây, cũng là nhờ đó.
Phải, một nước mà tấn bộ được, là nhờ ở phần đông dân chúng. Mà lũ dân chúng ấy, họ có thể kéo nhau hết đi ngoại quốc để tìm lấy sự khôn ngoan đâu. Thế thì cái sự nhờ ở mấy người đi học về rồi truyền bá lại cho họ, là sự đương nhiên lắm.
Nói đến đây đã rõ nghĩa hai chữ "giúp ích" là thế nào rồi. À! Dân chúng Việt Nam không mong các ông thanh niên đổi pháp luật hay lập xưởng máy, nhưng họ chỉ mong các ông bày biểu cho họ biết pháp luật là gì, xưởng máy là gì đó thôi. Nói tóm lại đại ý như vầy. mỗi một vị thanh niên tân học hãy đem vài phần mười của cái mình đã lấy được ở ngoại quốc ra mà truyền bá cho dân chúng, để nâng cao cái tầng trí thức của họ lên, như thế gọi là giúp ích.
Nếu vậy thì thời thế có khó khăn mấy mà ngại chi? Ai có địa vị và có quyền, như nhũng người làm đốc học làm giáo sư, thì giúp ích được rồi; còn kẻ không có địa vị và quyền, há phải là không phương làm được? Tiền vẫn là vật cần nhưng trong việc truyền bá tư tưởng học thuật cho đồng bào, tưởng nó cũng chưa phải là vật cần nhất. Còn nói chi trình độ quốc dân thấp kém thì hẳn là thấp kém rồi; chính vì sự thấp kém đó mà họ mới mong cấ ông giúp ích cho.
Nói rõ ra như vậy rồi cái cớ kẻ thanh niên tân học xứ ta không làm gì được, không giúp ích được cho đồng bào tổ quốc, không phải ở bốn cái thuyết cho rằng có trên kia, mà ở nơi khác.
Đã nhiều lần thấy người ta viết lên trên báo mà phân bì rồi. Họ phân bì thanh niên ta với thanh niên Nhật, thanh niên Tầu: Sao thanh niên hai nước ấy đi du học về có nhiều kẻ đã làm sách làm vở ra, lấy tư tưởng của mình mà day động cả xã hội, còn thanh niên của ta, sau khi du học đã thành tài, lại không làm được như thế?
Tôi biết tại sao rồi. Không phải tại thời thế và địa vị, không phải tại không tiền, nhưng tại chỗ khác. Cái chỗ ấy, trong khi đem thanh niên ta so sánh với thanh niên của Nhật của Tầu thì nó lòi ra. Đại phàm muốn thâu thái một cái văn hoá khác để bồi bổ cho cái văn hoá sẵn có của mình, thì một điều cần yếu trước hết là phải biết rõ cái văn hoá sẵn có ấy ra sao, phải ngấm ngầm trong cái văn hoá ấy, phải lấy chính mình dính dấp với nó mới được. Nói ví mà nghe, cũng như ta muốn sửa sang một cái nhà cũ, thì tất nhiên ta phải thấy rõ trong cái nhà ấy, chỗ nào nên để, chỗ nào nên thay. Người Nhật người Tầu họ hiểu cái lẽ đó, cho nên trước khi bọn thanh niên xuất dương, họ đã lấy giáo dục bổn quốc mà tạo cho mỗi người một cái tư cách đúng đắn rồi.
Nói riêng về nước Tầu: Ở trong nước, từ ấu học nhẫn lên cho tới đại học, đều dạy bằng chữ bổn quốc, từ trung học trở lên mới có dạy tiếng ngoại quốc, nhưng chỉ là phần phụ. Địa dư, sử ký, phong tục, chế độ của nước mình từ xưa đến nay ra sao, đại khái một trò cao đẳng tiểu học trở lên đều biết hết, và lên đến trung học, đại học lại còn phải biết nhiều hơn.
Thường thường là một người đã tốt nghiệp đại học ở nước nhà mới xuất dương du học.
Trong khi họ học được điều gì ở ngoại quốc, có thể đem mà so sánh với điều đã học ở bổn quốc mà thấy hơn thua lợi hại thế nào; chớ không phải là học tới đâu biết tới đó mà cho rằng đủ.
Bọn ấy, khi về nước rồi, làm gì thì làm, nhưng cốt nhất là họ không quên sự dịch sách và làm sách. Việc dịch thuật của họ là việc làm có ý thức, cho nên cũng thâu được nhiều hiệu quả rất lớn.
Nguyên người Tầu thuở xưa chỉ chịu kém người Tây về sự đóng tàu đúc súng, chớ còn về văn học triết học thì họ khinh đứt đi. Ấy là một sự lầm. Từ Nghiêm Phục dịch những sách triết lý của người Anh người Pháp ra, Lâm Thư (người này không du học, không biết chữ Tây, nhờ kẻ khác cắt nghĩa cho mà dịch) dịch những sách văn học ra, đến đó mới mở mắt thấy rõ sự tình trong thế giới và địa vị nước mình hơn hồi trước. Nội một cái thấy rõ được như vậy đã là quan hệ cho nước Tầu chẳng vừa, cho nên công trạng của hai người ấy cũng chẳng vừa.
Nước Tầu từ trước vẫn có triết học, song chưa có ai làm triết học sử. Không có triết học sử thì cái trí thức của quốc dân về đường ấy lộn xộn lắm, cũng là một sự thua người ta và bất lợi cho mình. Hồ Thích, sau khi đậu bác sĩ triết học ở ngoại quốc rồi, thông thạo những triết học của ông Descartes, ông Kant rồi về nước dạy khoa triết học, còn làm ra bộ Trung Quốc triết học sử đại cương. Từ đấy bên Tầu mới có triết học sử như bên Tây.
Ấy là kể những sự lớn lao mà nghe. Còn nói cho hết thì không biết thế nào cho hết được. Cho đến những người đi học khoa nuôi gà, về cũng làm sách dạy nuôi gà; người đi học nuôi thỏ, về cũng làm sách dạy nuôi thỏ. Đại để mỗi một người du học sanh Tầu không lớn thì nhỏ, cũng có làm ra một việc chi ảnh hưởng đến đồng bào tổ quốc mình. Mà sở dĩ như vậy là nhờ ở cái giáo dục của nước họ, trước khi du học, đã làm cho họ dính dấp với đồng bào tổ quốc mình vậy.
Nước ta thì khác hẳn. Giáo dục của nước ta chưa hề cho thanh niên ta ngấm ngầm trong văn hoá cũ của xứ mình. Một người học sanh từ ấu học lên đến cao đẳng (chỉ trường cao đẳng Hà Nội) vẫn có đọc sử ký bổn quốc; địa dư bổn quốc; vẫn có làm bài luận bằng chữ quốc ngữ; nhưng đó là một môn chương trình ở lớp học mà thôi. Một ngưòi học sanh tốt nghiệp ở trường cao đẳng Hà Nội ra, đố ai dám bảo đó là một người Việt Nam đúng đắn; có đủ tri thức về văn hoá Việt Nam đúng đắn.
Không, không đâu. Ở dưới cái chế dộ giáo dục này, họ dầu muốn làm một người Việt Nam đúng đắn, muốn có đủ tri thức văn hoá Việt Nam đúng đắn, cũng không được nữa.
Cũng thì là danh nhân trong chánh giới, nhưng về ông Richelieu, tể tướng của vua Louis XIII ở hồi thế kỷ XVII thì một người học sanh Việt Nam biết rõ hơn ông Nguyễn Tri Phương hay ông Phan Thanh Giản là đại thần của vua Tự Đức ở thế kỷ XIX, về thời gian và không gian đều gần hơn. Cũng thì đường xe hoả, mà hỏi ở ga lớn Paris có tẽ ra mấy nhánh thì họ nói mau hơn là cũng một câu hỏi ấy mà hỏi về ga lớn Hà Nội.
Cho những người tốt nghiệp ở cao đẳng Hà Nội đó đi du học rồi về cũng còn chưa chắc giúp ích cho đồng bào được gì thay; huống hồ nữa là thứ trẻ con mười, mười hai tuổi, sang Pháp ở luôn đến ba chục tuổi rồi về, thì bảo còn thiết gì với cái xứ sở này mà mong họ?
Có nhiều kẻ lúc về đây rồi, cho đến cái tiếng An Nam cũng không muốn nói, là phải lắm, ta cũng chẳng nên phiền trách họ làm chi.
Thật quả là không được. Một người Việt Nam dầu du học hay chẳng du học cũng vậy, họ chữ Pháp giỏi mấy mặc lòng, mà nếu chẳng ngấm ngầm trong văn hoá Việt Nam, thì quyết là không làm gì cho xã hội này nhờ được hết. Người ấy nếu trời phó cho một cái lòng ái quốc, muốn cung cúc tận tuỵ với nước với nòi, là cũng chẳng biết làm cách nào cho có ảnh hưởng mảy may đến anh em chị em con nhà Hồng Lạc. Lẽ ấy sờ sờ ra; không còn hồ nghi gì nũa. Những người không biết gì về văn hoá bổn quốc hết mà học Pháp văn giỏi, thì họ có mặt trong xứ này cũng như một người ngoại quốc có mặt mà thôi, ta không khi nào mong người ngoại quốc ấy giúp ích cho ta, thì ta quê gì lại đi mong những người vốn là đồng bào với ta ấy ?
Thật, ai đã tự cắt đứt cái dây liên lạc với tiền nhân và đồng loại rồi thì khó lòng mà mong rằng một ngày kia sẽ lấy sự quan hệ. Thanh niên ta bây giờ hầu hết không coi được cái phó ý của nhà mình; thói tục trong họ trong làng nhất giai không biết tới, trở về tổ quốc mà lại như chim chích vào rừng, thì còn nói chuyện giúp ích gì cho ai!
Nghĩ như vậy rồi thì không nảy ra câu hỏi. Câu hỏi ấy tức là câu nêu lên làm cái phó đề trên kia: Kẻ thanh niên tân học nước ta, muốn giúp ích cho tổ quốc, nên làm thế nào?
Theo sự lý trong bài này, tôi tưởng, trước hết phải nhờ ở sự tu dưỡng riêng. Mục đích của sự tu dưỡng riêng này cốt ở nối lại cái dây liên lạc với tiền nhân và đồng bào... Ta tu dưỡng làm sao cho ta thành ra một người Việt Nam đúng đắn, nghĩa là ngấm ngầm trong văn hoá cũ Việt Nam, có đủ tri thức về văn hoá ấy. Ta tu dưỡng làm sao cho ta thành ra một người có quan hệ với dân chúng, đi đến làng nào trong nước cũng như đi buồng học hay là phòng thí nghiệm của ta, không có ngớ nghếch chút nào. Kẻ thanh niên tân học nên lưu tâm ở chỗ đó trước rồi sau mới nói chuyện đến giúp ích cho tổ quốc đồng bào được.
Một bài sau tôi sẽ nói thêm.
No comments:
Post a Comment