Sunday, January 11, 2015

BÀN VỀ LỐI SỐNG HÒA ĐỒNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

            BÀN VỀ LỐI  SỐNG HÒA ĐỒNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM.
                                               ‘’Quân tử hòa nhi bất đồng. Tiểu nhân đồng nhi bất hòa’’
                                                                                          (  Luận Ngữ, Tử Lộ XIII )
                                                                                                                   
      Dân chủ không thể  hình thành và tồn tại  trong bất cứ quốc gia nào, xã hội nào nếu không có sự phản kháng  và kiểm soát của đám đông quần chúng trước quyền lực nhà nước. Và nền  tảng của dân chủ, tức là dân trí, sự hiểu biết về giá trị làm người, giá trị của mỗi cá nhân.
   Và việc đấu tranh cho dân chủ phải xuất phát từ mỗi cá nhân,khởi nguồn từ việc mỗi cá nhân ý thức  được vai trò chủ thể của mình trong xã hội, mỗi cá nhân biết quý trọng giá trị nhân phẩm của mình, tức là giá trị tự thân,. Mỗi cá nhân khi biết quý trọng nhân phẩm của mình, thì cũng có nghĩa là biết phẫn nộ, sẽ đứng lên phản kháng cường quyền bạo lực nếu thấy nhân phẩm của mình  bị bọn nhà nước hay bọn tôn giáo lừa bịp, phi nhân tinh tước đoạt
     Vì vậy, mỗi cá nhân phải can đảm nói thẳng, nói thật, biết phê phán trước bất công chà đạp, biết phẫn nộ, trước phí lý, đi ngược lại quyền lợi chung.Sự phản đối có thể khởi nguồn từ việc rất nhỏ,  xếp hàng chen lấn trong nhà ga, hay trong rạp hát, hoặc thấy có người xả rác bừa bãi, hay thấy có người không giữ gìn ý thức sinh hoạt chung nơi công cộng..vv..vv, hoặc lớn hơn, đó laf chống đối quyền lực nhà nước.
   Muốn nói thẳng, nói thật, mỗi cá nhân phải hiểu được giá trị  cá nhân  của mình, trong đó  tư duy độc lập có vai trò rất quan trọng. Tư duy độc lập giúp con  người biết chất vấn, biết phản biện, nếu thấy nghi ngờ, biết rà soát lại mọi vấn đề và  chắt lọc mọi thông tin thu lượm được, qua đó hình thành quan điểm,  nhận thức cho riêng mình. Muốn có một xã hội dân chủ, thì mỗi cá nhân phải biết nghi ngờ, chất vấn
   Trong xã hội Việt Nam độc tài đảng trị ngày nay,  người dân không chỉ bị tuyên truyền  nhồi sọ bằng thông tin trên các phương tiện truyền thông bị kiểm soát gắt gao hàng ngày. Ngoài ra , người dân  đã bị tập nhiễm bằng cả hệ tư tưởng, đạo đức để phục vụ cho  giới cầm quyền bằng chủ nghĩa tập thể của Hồ Chí Minh, hay  các định kiến xã hội được hình thành từ ngàn đời xưa của các chế độ phong kiến tập quyền, với mục đích cũng không nằm ngoài duy trì và bảo vệ quyền lực của vua chúa và dòng tộc mình. Những định kiến xã hội, định chế gia đình đó đều kêu gọi đám đông  phục tùng, vâng lời, tước đoạt hết các chủ quyền cá nhân con người, tước đoạt tư duy và những khát vọng cá nhân của con người, trong gia đình, ngoài xã hội, trong quan hệ cha mẹ, con cái, thậm chí trong cả chuyện yêu đương, luyến ái.
Thói ù lì, vô cảm của người Việt đang là vấn đề nhức nhối, đẩy xã hội đến bờ vực băng hoại. Con người trở nên quá lãnh cảm với nỗi đau của đồng loại, dửng dung trước   sai trái chà đạp đang hiện hữu hằng ngày trong đời sống. Sự im lặng đã tiếp tay cho  suy đồi trong xã hội sinh sôi nảy nở như nấm sau cơn mưa. Con người dễ trở nên đồng lõa với những sai trái,  rất ít người  dám lên tiếng phản kháng vì không thoát khỏi ảnh hưởng của đám đông. 
          Bài viết này không nằm ngoài mục đích lý giải một trong những vấn nạn  tư duy của người Việt, và là một trong những nguyên nhân chính khiến xã hội Việt Nam băng hoại,  tụt dốc về mọi mặt,  vẫn phải chịu đựng sự  tước đoạt tự do và nhân phẩm của  bọn cầm quyền Cộng Sản.  Trong đó, tại sao sự phản kháng đấu tranh  của mỗi cá nhân vừa yếu ớt  lại vừa ít, xã hội chúng ta thiếu vắng những người can đảm  nói lên quan điểm của mình mà không sợ đám đông phản ứng, chà đạp, dư luận quần chúng la ó, và tại sao xã hội chúng ta thiếu vắng những nhà tư tưởng có những quan điểm, tư duy đi trước thời đại, những nhà khoa học có những công trình xuất sắc đóng góp cho đời sống nhân loại.
 Chúng ta hãy tìm hiểu quan niệm sống hòa đồngcủa người Việt.
     Hòa đồng, hai từ đơn giản nhưng mang ý nghĩa  lớn lao  về nhận thức  và phẩm  tính  mỗi người.
 Các ông bố  bà mẹ  thường khuyên con  cái mình phải biết sống hòa đồng với tập thể, cộng đồng, mục đích là để tránh rắc rối, phiền nhiễu, những việc không hay xảy ra, thậm chí có thể là những việc nguy hiểm.  Trong nhận thức của họ, hòa đồng còn có nghĩa là người tốt, sống chan hòa với mọi người xung quanh, là nhân tố tốt của xã hội
   Một đứa con khi chuẩn bị xa nhà để nhập học  tại một  nơi khác,  thường  được cha mẹ khuyên   nhủ, đại loại như: con sống xa nhà phải tự lo liệu, đời sống ở đó nhiều cám dỗ lắm, con nên thận trọng. Nhớ sống hòa đồng với bạn bè, người xung quanh…
    Nhân viên các ngành nghề khác nhau khi muốn nộp đơn xin làm việc tại công ty khác thì  những tiêu chí như  có tinh thần trách nhiệm, có chí cầu tiến, năng động, sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp, hòa đồng với mọi người là những yêu cầu quan trọng.
 Và tiêu chí hòa đồng còn áp dụng vào  rất nhiều cộng đồng, tập thể hội đoàn, rất nhiều, kể mãi không hết !  Đại loại, với đa số người dân Việt Nam thì yếu tố hòa đồng khá  cần thiết cho đời sống của họ.
     Hòa tức là hòa nhập, và cho rằng hòa hợp cũng chẳng sao. Hòa nhập  vào cộng đồng  và chọn  định hướng sống  để hòa hợp với cộng đồng.   Phương châm sống của mỗi người là Hòa thường thường  được  áp dụng bất  kỳ nơi nào liên quan  đến tập thể, nơi  đông người, chẳng hạn như trong công ty,  trong một lớp học,, trong bệnh viện,  hay rộng lớn hơn là trong  một quốc gia
   Hòa là yếu tố quan trọng cho mỗi cá nhân khi thoát khỏi vòng tay che chở bảo bọc của gia đình, bước chân vào đời sống cộng sinh, cộng tồn  trong  xã hội. Do đó phải nắm  bắt được những giá trị  về vật chất và tinh thần mà người đó đang sinh sống, để  có cuộc sống thuận tiện,  trôi cùng với cộng đồng trên dòng chảy đời sống. Trong trường hợp có ai đó đã từng sống trong một  xã hội lạc hậu  đến một xã hội văn minh để sinh sống và làm việc, thì hòa nhập là điều kiện đầu tiên để cá nhân đó bước chân vào đời sống  văn minh lạ lẫm, có những khác biệt về ngôn ngữ, truyền thống văn hóa, tín ngưỡng, định chế xã hội, định chế nhà nước vv…vv.
 Muốn vậy, từng cá nhân phải học để hiểu được  những  khác biệt và hơn kém mọi  mặt  giữa ta với người. Phải có sự  luyện tập trau dồi, học hỏi để thích nghi  với môi trường sống xung quanh
      Hòa, cũng mang một ý nghĩa nhỏ bé và dễ hiểu hơn, đó là sống chan hòa, hài hòa với mọi người để tạo ra sự vui vẻ trong giao tiếp đời sống hằng ngày  để tạo cho cá nhân mình có cái nhìn thiện cảm từ người khác. 
 Ý nghĩa của chữ đồng là  cùng , là giống nhau.  có nghĩa là đồng hóa, làm cho giống mọi người, và muốn giống như mọi người thì phải theo  mọi người ,do đó tự thân  cá nhân phải có sự chuyển biến nhận thức để  sống khác với cá tính vốn có của mình. Nói khác với suy nghĩ của mình,nói nôm na là sống khác với con người thực sự của mình để  có được  thuận lợi, thích nghi trong  đám đông, trong tập thể, để có nhiều cơ hội thuận lợi cho sự nghiệp, cho việc tiến thân.
        Chẳng hạn như  việc  chọn nghề nghiệp  khác với khả năng và nguyện vọng của mình để chạy theo xu thế xã hội, để có  cuộc sống nhẹ nhàng dễ thở như những cá nhân  khác cũng có nghĩa là đồng, là theo.   Nếu  thấy xu  hướng xã hội đang cần nhiều nhân viên  kế toán, thì học kế toán, cho dù là thích ngành nông nghiệp,  từ bé đã có mong ước trở thành kỹ sư nông nghiệp  để sống gần gũi với thiên nhiên, gần gũi với người nông dân .   Điều  đó có nghĩa rằng ai đó khi đã chạy theo xu thế xã hội thì đã  từ bỏ nguyện vọng của mình, không dám chấp nhận  khó khăn gian khổ, hay những phản đối của gia đình để gắn bó, theo đuổi ước mơ, nguyện vọng.
Khi một đứa trẻ ở Việt Nam thể hiện nguyện vọng muốn trở thành một nhà du hành vũ trụ, trong tương lai sẽ bay vào không gian, khám phá những hành tinh xa lạ, hay trở thành nhà khoa học có phát kiến vĩ đại, thì ngay lập tức vấp phải sự phản đối của cha mẹ: Thôi ! mày đừng có nghĩ chuyện bao đồng, viển vông nữa, hãy thực tế đi con, hay biết tự lượng sức mình, cố gắng thi vào trường kinh tế, hay trường luật, mấy trường đó bây giờ có nhiều người đang theo học, chứ hơi đâu theo đuổi những chuyện xa vời !
Hỡi ôi ! ‘’ Những khát vọng lớn tạo ra những thiên tài lớn’’ (1 ). Ở đây chúng ta thấy,  những ông bố bà mẹ  dập tan khát vọng của người con vì quan niệm sống của mình, bậc cha mẹ muốn định hướng cho con cái không muốn ‘’ khác người’’, phải thực tế như những người khác ngoài xã hội, không muốn cho con mình làm chuyện’’ bao đồng’’.
     Nhưng khi  bậc cha mẹ nghĩ vậy, họ không quan tâm, hay không biết một điều rằng, nếu không có những người có khát vọng khác người, nếu xã hội ai cũng ‘’ thực tế’’ thì cả nhân loại ngày nay vẫn còn là giống người ăn lông ở lỗ, sống bán khai lạc hậu, sẽ chẳng có các nhà khoa học phát minh những công trình vĩ đại phục vụ cho đời sống nhân loại, sẽ chẳng có các nhà tư tưởng khai phá những quan điểm mới mẻ, đi trước thời đại, khai phóng cho đời sống tinh thần nhân loại, cũng sẽ chẳng có những nhà đấu tranh, can đảm dấn  thân vào đời, đấu tranh cho  những xã hội có nhân bản, đấu tranh cho quyền lợi chung của con người.
.   Đồng, tức là  suy nghĩ giống mọi người, im lặng giống mọi người khi mọi người giữ im lặng. Quan điểm giống mọi người khi mọi người có quan điểm giống nhau để làm phương châm, định hướng cho cuộc sống.
Nếu tập thể coi việc sai trái, bất công trong đời sống  là lẽ đương nhiên, thì cũng im lặng ngầm đồng thuận đó là  ‘’ lẽ dĩ nhiên’’, điều không tránh khỏi trong đời sống hằng ngày. Nếu từng  cá nhân trong tập thể cho rằng ‘’ một người chỉ có sức lực yếu ớt không thể làm được gì, không thay đổi được điều gì trước bất công trong xã hội, trước sự chà đạp của bọn nhà nước , hay của bọn tôn giáo lừa bịp thì cũng không cần phải lên tiếng phản đối, cho dù  trong tâm thức họ cho đó là sai lầm
 Vì mỗi  cá nhân họ cần phải giống với  tập thể về thái độ và  lối sống . Như vậy sẽ  có cuộc sống dễ chịu hơn, không chịu sự phản đối, ánh mắt dò xét của  đám đông , không chịu những áp lực xuất phát từ những lời nói của tập thể,  quan trọng hơn, là sẽ không bị đám đông tập thể cho  rằng  như vậy là ngu ngốc, là tự mình chuốc vạ vào thân, là lập dị,  là khác người.
     Còn những cá nhân không muốn giống   những người khác . Họ muốn bộ lộ cá  tính của mình trong đời sống cộng đồng, họ muốn thể hiện quan điểm   cá nhân của mình, và khi họ lên tiếng phê phán cái sai , cái xâú của cả một tập thể thì đối với cộng đồng thì  bị coi là lập dị, muốn sống khác người. Đi ngược lại với đám đông. Trong xã hội bán khai như Việt Nam, khi chủ nghĩa cá nhân chưa được hiểu  thực sự đúng nghĩa, thì đám đông, tập thể là bức màn che lấp tư duy, não trạng độc lập con người một cách hiệu quả. Nó bóp nghẹt cá tính con người. Như Margaret Atwood  nhận định: ‘’Bước vào đám đông giống như chìm vào món hầm - bạn trở thành một nguyên liệu, bạn khoác lên một mùi vị riêng. Walking into the crowd was like sinking into a stew - you became an ingredient, you took on a certain flavour.
   Từ xa xưa, ông cha ta đã khuyên hậu sinh , hậu thế phải biết sống sao cho  giống  người khác. chấp nhận   những lý lẽ, những nề nếp gia phong trong gia đình và những định chế xã hội. Muốn vậy thì phải  giống những người khác. Chấp nhận những thứ người khác chấp nhận, im lặng với những thứ người khác im  lặng. Nhưng nếu gia phong đó hủ bại, chà đạp lên nhân phẩm  và quyền lợi con người  thì sao? Hậu sinh phải làm gì? Cha ông ta không nói đến.  Chẳng hạn như câu   ‘’nhập gia tùy tục’’. Câu nói đến ngày nay vẫn mang ý nghĩa giáo dục, vẫn được lưu truyền trong xã hội  hiện đại khi con người nhắc nhở nhau về  phương châm sống làm sao để thích nghi với mỗi trường, với những cộng đồng, gia đình có khác biệt  về văn hóa, thói quen  sinh hoạt  và ý thức chung.
 ‘’Nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc’’,  hiểu khái quát: sống đâu theo đó, thực ra cũng chẳng  phải sai hoàn toàn.  Nó có nhiều điểm đúng đắn , hợp lý trong rất nhiều trường hợp áp dụng trong đời sống. Một người khi bước chân vào  chùa  tất nhiên phải tôn trọng sự tôn nghiêm nơi cửa Phật. Một người lính sống đời quân ngũ tất nhiên không thể sinh hoạt bữa bãi vô kỷ luật.  Nhưng bài viết này không nhằm đề cập đến cái đúng của câu nói đó.
       Nếu đó là câu từ cửa miệng của một bà mẹ thời phong kiến  dành cho một người con gái sắp  về nhà chồng và mang  trên vai trách nhiệm   người phụ nữ trong xã hội phong kiến  thì điều đó có nghĩa là nên theo gia phong nề nếp của nhà chồng. Còn gia phong, nề nếp, hay tính tình của mọi người trong gia đình chồng  thế nào, đúng hay sai, tốt hay xấu thì cũng đừng nên quan tâm, vì đó là chuyện khác.  
 Nếu mẹ chồng độc ác, chà đạp, cậy địa vị lấn áp con dâu, thì phải chịu đựng,  gặp thằng chồng vũ phu,  rượu chè bê tha,  hay nghiện ngập bàn đèn hút sách thì  cố gằng chịu đựng,  vì  nhập gia thì phải tùy tục, sống đâu theo đó. Mình phải giống như bao người khác, người khác chịu được, thì mình chịu được, phải biết nhập gia tùy tục, sống đâu theo đó. Trách nhiệm của mình thì mình làm trọn vẹn bổn phận.  Đừng để mang tiếng cho bản thân là đứa con gái vụng về, không ra gì, không có giáo dục, gia đình không có gia phong, làm xấu hổ mất mặt  cha mẹ , với bà con lối xóm.
   Vậy thi tất nhiên người làm con sẽ  cố gắng  làm tròn trách nhiệm. Vì nếu không, hậu quả giáng xuống sẽ rất khủng khiếp vì ‘’ danh  dự ‘’ của gia đình dòng tộc trước kịnh  kiến xã hội và con mắt mang hình viên đạn của bà con chòm xóm.  Còn những giá trị con người nói chung và nhân phẩm của người con gái nói riêng  chỉ là thứ yếu, một khi đã sống theo đạo lý truyền thống nhập gia tùy tục, ở đâu theo đó, ở đâu phải giống đó.
     Ổ xã hội  Việt Nam hiện tại, chuẩn mực nhập gia tùy tục không còn hà khắc như thời phong kiến nữa. Những định kiến áp đặt cho người con gái cũng dễ thở hơn, thoáng hơn. Xã hội không chê trách  một người con gái ly dị  chồng nếu cô ta gặp phải người chồng vô trách nhiệm  và hành hạ vợ con. Và người ta cũng không chê trách một người con gái khi cô ta không hòa nhập với gia đình chồng vì cô ta thấy lối sống nhà chồng không hợp, ,  và cô gái đó cũng không cần cưỡng ép bản thân mình làm sao cho giống mọi người trong nhà để thích nghi.
     Tuy nhiên, như đã nói ở trên. Người ta vẫn dạy nhau sống đâu phải theo đó, sống đâu phải giống với người ở đó, hành xử như những người ở đó, và im lặng như những người ở đó.  Và hệ quả là như chúng ta thấy ngày hôm nay là con người thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của người khác. Con người im lặng trước bất công, sai trái, bao nhiêu chà đạp tước đoạt nhân phẩm của nhà cầm quyền, cũng chỉ vì sống đâu phải theo đó, sống đâu phải giống người ở đó, phải im lặng, biết  giữ thái độ bàng quang, như vậy sẽ tránh tai vạ cho bản thân.
    Thế nên chúng ta không thấy lạ khi nghe những tin như vụ bao nhiêu người hôi bia ở Đồng Nai như báo chí Cộng Sản  và nước ngoài đã loan tin. Và chuyện sinh viên ở đất Hà Nội, ngàn năm văn vật, để ăn buffet miễn phí, họ đã phải xếp hàng chen lấn,  xô đẩy, thậm chí cãi cọ nhau, gây ra cảnh tượng náo loạn. Họ , những người sinh viên, những chủ nhân tương lai của đất nước đã hành xử giống nhau, thể hiện một thái độ giống nhau  đối với những miếng buffet. Không  đến nỗi nghiêm trọng, tệ hại như nạn đói năm 1945, nhưng dư luận khi biết những gì họ đã làm  thì không thể không hoài nghi  nhận thức, và tư cách của họ.
  Những sự kiện trên đã lý giải điều gì? Câu trả lời là: mình theo họ, mình sống như họ,  nếu cả một xã hội xấu, mà mình xấu cũng không sao, nếu cả một xã hội vô ý thức, mà bản thân ta vô ý thức cũng không sao,  nếu cộng đồng im lặng trước bất công, thì bản thân ta im lặng trước bất công cũng không sao. Vì tập thể  là cái gì đó  ý nghĩa và vĩ đại.
 Tập thể là cái gì đó mầu nhiệm biến những gì thuộc về tập thể từ sai thành đúng. Và tập thể cũng là  tấm khiên chắn vô hình mà hữu hiệu, chống đỡ cho những sai lầm tư duy của bản thân ta.  Và chả lẽ một tập thể lại đi phê phán cái sai lầm của tập thể đó, vì sai lầm, là sai lầm chung, và đồi bại cũng là đồi bại chung. Biết đổ lỗi cho ai? (!) Trút trách nhiệm lên đầu ai ? (!).  Và vì  những lẽ đó ,ta đâu thế sống khác mọi người, khác với tập thể,  bản thân ta không thể đi ngược dòng, sẽ rất mệt mỏi vô ích, sẽ phí sức và chuốc tai bay vạ gió.
  Và còn nữa, nếu bản thân ta thấy có người xả rác bừa bãi, thì tại sao ta lại không? Và người khác vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông được, thì tại sao mình lại không làm được ?.
   Và do đó, ta giống  tập thể cũng không sao, nhưng sống khác người, đó là vấn đề lớn.
    Sinh thời, Khổng Tử rất ghét bọn hương nguyện, bọn hương nguyện là hạng người tầm thường chỉ biết a dua theo người khác, nói theo người khác mà không có chủ kiến, không có định kiến, những người như vậy ông cho là làm hại đức: ‘’Hương nguyện đức chi tặc giã’’ ,  
    (Luận Ngữ , Dương Hóa ). Hương là hương thôn, nguyện là ngay lành. Hương nguyện là người cứ hành động một chiều theo thế tục, không trái ý ai bao giờ, cử xử thì giữ gìn cẩn thận để có điều đáng chê mà không ai lấy gì chê  được, có điều đáng bẻ mà không ai lấy gì bẻ được, cho nên người ở hương thôn là người có đức tính tốt, không phải là trung tín mà giống như trung tín, không phải là liêm khiết mà giống như liêm khiết, lấy cái giống như làm lẫn cái chính trực (2 )
Dân chủ, tự do không phải tự nhiên mà có, không xuất phát từ sự sắp đặt của một gã thượng đế nào. Càng không phải do bọn nhà nước ban phát.
 Trong những xã hội mà những giá trị con người được phổ biến  rộng rãi như ngày hôm nay đều khởi nguồn từ  những cá nhân biết   phản kháng, can đảm nói lên quan điểm riêng minh, cho  dù  có bị đám đông phản đối. Những con người đó, họ sẵn sang đi ngược dòng, nghĩ ngược, nghĩ khác với quan điểm xã hội, sẵn sang vận động quần chúng xóa bỏ lề  thói, tập tục,  những giá trị  xã hội đã lỗi thời và đi ngược lại với tinh thần nhân bản. Lớn hơn nữa là những người đã can đảm  đối kháng lại quyền bính của nhà nước. Sự kiện Wikileaks cho chúng ta thấy những cá nhân can đảm  đá đứng lên chống lại quyền bính Nhà nước,  Julian Assange, Bradley Manning, hay Edward Snowden, những người này nói lên tiếng nói lương tâm,  cho dù  cái giá phải trả   với họ không hề rẻ, bị bôi nhọ thanh danh, bị trấn áp, tù đày, nhưng họ quyết tâm không đồng lõa với tội ác
 Họ là những cá nhân  như Gallieo, Bruno, hay Magiellan , dám nói thẳng, nói thật, nói những gì mình nghĩ, dám bảo vệ chân lý của mình trước quyền lực khủng khiếp  của cả giáo hội, vạch ra sự diễn giải lừa bịp trong thánh kinh,  tố cáo tội ác vô tiền khoáng hậu của công giáo La Mã.
      Và rất nhiều người khác nữa !
Còn xã hội Việt Nam chúng ta, đến bao giờ có nhiều cá nhân dám đứng lên  chống lại những sai trái, nghịch lý trong xã hội và quyền chính  nhà nước ? Những cá nhân sẵn sàng hòanhưng không  đồng lõa ?
Câu trả lời dành cho mỗi cá nhân chúng ta. Mỗi cá nhân chúng ta phải tự tìm giá trị cho riêng mình mà thôi !
Và phải từ bây giờ.
                                                                           Nguyễn Mạnh Chung
(1            (1)   Danh ngôn phương Tây
      (2) Nho Giáo. Trần Trọng Kim, trang 115






No comments:

Post a Comment