Friday, December 13, 2013

Giả Gieo Với Đời

Giả Gieo Với Đời

Nguyên Khả Phạm Thanh Chương
24-11-2006

Ngày xưa Phật có nói: "Này các Tỳ-kheo, Ta không tranh chấp với đời. Chỉ có đời tranh chấp với Ta. Này các Tỳ-kheo, người nói pháp không tranh chấp với một ai ở đời". (Tương Ưng III. 165)

Đó là Phật nói, chứ không phải mình nói. Mà Phật cũng còn nói  Tất cả chúng sanh đều có Phật tính, Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sắp thành, ai cũng có khả năng thành Phật. Thật sự mình có Phật tính hay không Tôi cũng khó biết được. Có điều chắc chắn, Tôi không phải là Phật, và chắc chẳng bao giờ thành Phật được. Bởi không chi riêng Đời tranh chấp với Tôi, mà Tôi tranh chấp với Đời liên tục, tranh chấp thật gay gắt và lắm khi bần tiện, bủn xỉn và chi li hơn cả cuộc Đời đối với mình.

Tôi so đo tranh chấp với cuộc Đời này từng giấc ngủ, cơn mơ, từng lời, từng chữ, từng niềm vui, từng nỗi lo, cơn buồn vô cớ, cho đến nhưng giây phút hạnh phúc hớ hênh, nhiều khi nhạt nhẽo... cũng vô cớ. 

Tôi tranh chấp với nó từng hơi thở, bước đi, trên thời gian và trong không gian. Bởi nó tranh chấp với Tôi từ ngày Mẹ về với Cha; hoặc theo một lý thuyết nào đó, từ khi có tiền sinh nhân loại (pre-vis). Nó lăm le giành giựt với tôi từng chất tiền sinh, từng cõi vô sinh, và từng chủng tử giả hợp để hình tưóng này hình thành nghiệp quả cho đến bây giờ. 

Cuộc Đời nó ranh ma, và giảo quyệt tranh chấp với Tôi từng tế bào thoát ly khỏi châu thân này. Từng sợi tóc đổi thay, con gầu rơi rụng. Nó tranh chấp và hành hạ Tôi từng năm tuổi đời trong từng ngõ ngách của cõi ngưòi này. Nó không ngừng kêu réo, giả gieo, hăm dọa Tôi về đoạn đường kiếp ngưòi của Tôi đang ngắn dần từng giây, từng sát na. Mà Tôi “đang” là Con Ngưòi, một thứ con ngưòi ngu xuẩn  tự ý thức được mình, được cái Chết và sự Sống  với đủ thứ giả tưởng sắp xếp rất “con người”.  Một Con Người thua kém dại dột hơn loài vật, với những kém cỏi mà Voltaire đã nhân định: 

Loài vật có những thuận lợi thượng phong hơn Con Người: Chúng nó chẳng bao giò nghe tiếng đồng hồ tích tắc đếm thời gian trôi,  Chúng nó chết tự nhiên chẳng hề ý thức về cái Chết,  Chúng nó chẳng có ông bà thần học nào hướng dẫn chúng nó xất cả, những giây phút cuối của cuộc đời chúng nó chẳng bị quấy nhiễu bởi những lễ lạc nghi thức phiền phức chẳng mong muốn, đám táng của chúng chẳng tốn phí cái đinh gì cả, và chẳng ai kiện cáo tranh giành di chúc của chúng nó. (Animals have these advantages over man: they never hear the clock strike, they die without any idea of death, they have no theologians to instruct them, their last moments are not disturbed by unwelcome and unpleasant ceremonies, their funerals cost them nothing, and no one starts lawsuits over their wills- Voltaire.)
Như thế làm sao bảo Tôi đừng tranh chấp với nó? Cuộc Đời nó cứ thường trực với đầy dẫn chứng chung quanh làm tiêu tan cái ý chí “cầu sống” vô vọng của Tôi, của những con ngưòi ngu xuẩn trong cõi tử sinh luân hồi này. 

Chưa hết, những thằng Ngưòi khác còn dùng cái Chết để hăm dọa những thằng Ngưòi khác và Tôi, làm cứ như là không có cái “hăm dọa” đó chúng Tôi, những thằng Người sẽ Sống Mãi mãi. 

Đấy cuộc Đời nó đùa gìỡn Tôi khắc khoải như thế, từng đêm, từng buổi sáng, từng bước đi của Tôi. Cuộc Đời này, nó gian ác một cách bình thản. Lão Tử gọi nó là Thiên Địa. Thiên Địa bất nhân dĩ vạn vật vi sô cẩu

Cuộc Đời này chẳng coi Tôi, hay bất cứ ai ra gì cả. Hứng lên là nó giết hàng trăm ngàn, hàng triệu người trong chớp mắt,  không kể dịch bệnh, mà thiên tai biển sông, bão tố núi lở động đất trở mình; rồi Nó tỉnh bơ êm ả trở lại những buổi sáng bình mình rạng mở chân trời trên đỉnh núi, hay đại dương, hoặc với nét nhẹ nhàng của ráng chiều tà trải vàng cả khu phố, cánh đồng; và bóng hoàng hôn của nó vẫn cứ quyến rũ dìu con ngưòi vào cõi mê tâm tưởng chập chùng của rừng núi. Duyên nợ tàn nhẫn và gắn bó lạ lùng như vậy.

Thiên Địa của cuộc Đời đã bất nhân, đểu giả nhường ấy, còn thêm bọn nhân loại này nữa. Nhân loại “bất nhân” mới ghê tởm tận cùng. Thiên Địa Bất Nhân, Nhân Bất Nhân, Dĩ Cùng Dĩ Tận.

Tôi chỉ mong được sống bình yên rồi chết. Bình yên và đơn giản thôi. Nhưng cái cuộc Đời này, những thằng người chung quanh, nó cứ chấp tranh với Tôi, nó buộc Tôi phải học, từ nhỏ đã không thể sống thanh thản, phải chuẩn bị đến trường, nhai đi nuốt lại đủ mọi thứ, phải nâng cấp đủ mọi để “tồn tại”, một cách  tạm bợ. Dẫu rằng đến bây giờ, hơn nửa đời hư hỏng, những thứ nhồi nhét ở nơi trường học chẳng còn bao nhiêu giá trị cần thiết. Ấy thế mà nếu không “có”, nó sẽ hành hạ Tôi, hành hạ sự hiện hữu đơn giản của Tôi như một cái tội. 

Đấy, cuộc Đời nó tranh chấp bắt buộc mọi con ngưòi phải phức tạp. Nó đẻ ra đủ thứ chủ nghĩa, chế độ chính trị nữa, cũng nhân danh Con Người, Nhân Bản.., để mà hành hạ nhau cả hàng ngàn năm từ khi có Con Ngưòi. Con Người phải đưọc hiểu là từ khi cái “sinh động vật” hai chân biết tự ý thức và có tư duy tổ chức.

Chung qui là cuộc Đời nó bắt ngưòi ta, và Tôi,  cùng nhau “giả vờ” nhìn nó không phải là phương tiện, dù chính xác nó chỉ là phương tiện tạm bợ,  để chấp nhận lờ mờ  Nó là cứu cánh! Một cái cái cứu cánh quá tạm bợ vô thường…

Và thế là mọi ngưòi nhẫn nhịn chịu đựng những thằng nhà nước, những đám chính phủ chỉ để “sống tạm bợ” rồi chết. Có nhiều khi còn hùng hổ đâm đầu chết dí cho những ngôn từ đẹp đẽ của những thằng Nhà Nước Chính Phủ đẻ ra…

Chúng tôi, sống và hành xử lạ lùng, phi lý. Phải nói là cực kỳ phi lý. Cứ làm như là hễ “cứ sợ thằng nhà nước, thằng chính phủ” thì sẽ được sống an nhàn và sống mãi!  Hoặc ngược lại, một cách mâu thuẫn nghịch lý với "ước vọng an toàn", là thay nhau cắm đầu chết vì chính phủ nhà nước nó hô hào! Và cho rằng “lúc chết được lên thiên đàng”-  ngoái cổ lại “hạnh phúc” khi thấy mình được dựng tượng ở cái góc phố nào đó.  Vậy bảo làm sao Tôi không tranh chấp với Đời được cơ chứ?

Kiếp Người  này của Tôi là tạm bợ, là Không, thế thì Tôi tội gì mà tiếc nó , để cho những thằng cũng tạm bợ như Tôi, đè cổ hăm dọa Tôi, ngồi trện đầu Tôi trong cõi tạm này. Chịu nhục trong cõi tạm này rồi cũng đến đi về Hư Vô, rốt cuộc rồi cả lũ cũng đi về một chỗ, một chốn?  Đấy, nó tranh chấp với  Tôi không ngừng nghỉ và ngu tối như vậy.  Nó cuồng dại và điên rồ đến độ quay quắt từng li như thế, thì bảo làm sao?

Nó bám chân mình từ cõi u minh, vật vã mình từ lúc khóc chào đời. Mình chỉ mong sống đơn giản bình yên nơi một lần một kiếp gọi là Việt Nam. Nó chòng ghẹo cơ cầu gây chiến, đủ trò lý tưởng đạn bom. Dại dột bỏ đi, tưởng rằng đã quên, nhưng nó đòi cơn níu kéo. Nhiều kẻ đổi cả tên họ, đổi da, đổi mặt để chạy trốn nó, nó vẩn cứ bám tranh chấp không tha. Đến đổi cả niềm tin, giấc ngủ cơn mê, cõi mộng…. Nhưng rồi Đời nó vẫn réo gọi cái tên nguyên thủy ra, dẫu tất cả là hư danh, mà chì chiết, mà cấu xé. Tránh ngõ nào cũng không thoát. Đã bảo nó đặt cọc cuộc Đời này, dùng cuộc đời này làm vật tống họa, làm con tin. mặc cả để chơi trò ú tim, trò bịt mắt bắt dê với mọi người. Mà Phật lại dạy mình đừng chấp tranh với Nó, thì bảo sao?


Pháp không Sinh không Diệt. Nhưng mà thằng “Tôi” đây có Sinh và có Diệt.

Cái “quãng giữa” của Tử Sinh này phải tranhh chấp với Nó. Tranh Chấp như là không chấp tranh, vô vi vô bất vi. 

Tranh Chấp như là lẽ sống để không còn chấp tranh. Để không bị ràng buộc bởi một hệ phược nào nữa, được không? Bất cứ hệ phược loại nào, kể cả cái thúc phược nho nhỏ vô minh, vô thường của cuộc Đời giả hợp này. 

Phật còn phải ròng rã đi “thuyết pháp” tranh chấp với cái u minh của chúng sinh cơ mà. Phải chăng Phật đã từng làm “dân trí” trong Đạo pháp để “đấu tranh và bất chấp” với thất tình, bát giới, để hướng chúng sinh đi từ từ đến Tứ Diệu Đế-   (Khổ, Tập, Diệt, Đạo)- để chúng sinh không còn chấp tranh với  vòng lẩn quẩn Sinh Lão Bệnh Tử; nghĩa là không còn ham, không còn sợ… cứ bình thường tự do, tự tại mà sống để … chờ chết trong tự do, tự nhiên và bình thản.. Nghĩa là chẳng còn để ai, con ngưòi nào, hay cả Thiên Địa, dùng cái “ham muốn”, cái “Sợ Chết” áp lực mình, nô lệ mình được nữa.


Tôi sống, dẫu là giả hợp nhân duyên mà thành,  dù một sạt na cũng phải tự do hiên ngang. Tôi chẳng dại gì mà để chúng nó, cuộc Đời này, dùng cái Chết mà không ai có thể trốn chạy được, hăm dọa đe nẹt Tôi.  Tôi phải tranh chấp để bắt cuộc Đời này, những kẻ lạm dụng cuộc Đời này, buông tha mọi người, buông tha Tôi, và sòng phẳng với nhau trưóc khi tất cả sẽ đi về Hư Vô. Không thì Tôi và mọi người  đừng bao giờ buông tha nó.


Tôi cũng chỉ đến đây, ở đây có một lần rồi thôi. Ngắn hay dài cũng chỉ có một lần, và phải bỏ nó mà đi. Không có cách nào ở lâu hơn chứ đừng nói là ở mãi. Từ hư vô đến và trở về hư vô. Lúc đến cũng không có gì, và khi đi cũng chẳng có gì đem theo. 
Kiếp này dẫu là tạm bợ, ngắn ngủi, Tôi cũng phải sống cho tử tế. Phải sống hiên ngang, an nhiên, tự do và tự tại. Chẳng ở mãi, giữ mãi được những của cải giả hợp này,  mà  lo nhẫn nhịn, chịu đựng để cho bất cứ ai đè đầu cưỡi cổ mình. Dẫu tạm bợ ngắn ngủi, giả hợp nhưng mà sống phải cho đáng cuộc đời duy nhất, một lần rồi miên viễn xa xăm.
   Tôi không là Phật, và cuộc Đời vẫn là tranh chấp vì nó chấp tranh như thế đấy.

Tử sinh lẩn quẩn  một vòng,
Không đi cũng đến, chẳng về cũng xa.
Kiếp người chẳng phải là nhà,
Cớ sao luồn cúi như Ta sống đời?
Một lần duy nhất rồi thôi,
Xin đừng sống nhục làm tôi cho người.

***
Nguyên Khả Phạm Thanh Chương
Một buổi chiều, vừa viết xong “Hậu APEC”, ra quốc đất làm cỏ sân nhà, ngồi  nghỉ, nhìn đóa hoa trong gió… bỗng thấy “vô thường.”
Ngày mùng 4 Tháng Mười năm Bính Tuất
24-11-2006

No comments:

Post a Comment